Trong họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (3/3), Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết khi xuất hiện chủng Omicron nhu cầu của người dân dùng kit test tăng cao, trong khi đó nguồn cung chưa đáp ứng được, thậm chí cả nguồn cung từ nước ngoài.

Cách đây 2 tuần, ngay khi nhận thấy biến động về kit test, Bộ Y tế đã chủ động họp với bộ ngành liên quan, với gần 100 doanh nghiệp được cấp phép để bàn việc này.

Bộ có công văn gửi các tỉnh tăng cường triển khai, giám sát tránh tình trạng nâng giá, găm hàng. Doanh nghiệp phải công khai giá bán trên Cổng TTĐT Bộ Y tế, các đại lý thứ cấp (nhà thuốc, hiệu thuốc) phải niêm yết giá bán lẻ.

{keywords}
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Ông Tuyên cũng cho rằng người dân chỉ nên mua kit test khi cần, không vì quá lo lắng mà mua dự trữ, dùng đến đâu mua đến đấy. Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp, trong 1 gia đình có thể dùng chung test nhanh 2-3 người chung một cái, 2-3 ngày xét nghiệm một lần.

Lý giải số ca F0 tăng nhanh trong những ngày qua, đặc biệt gần đây khi cả nước đã vượt ngưỡng 100.000 ca/ngày, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ khi Việt Nam xuất hiện dịch Covid-19, sau đó là các biến chủng xuất hiện, với chủng Delta gây ra đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam có tốc độ lây lan gấp 3 lần chủng cũ, còn với chủng Omicron tốc độ lây lan gấp 5 lần so với chủng cũ. Đây là nguyên nhân làm số ca F0 tăng nhanh.

Nguyên nhân thứ hai do tâm lý của một bộ phận người dân có sự chủ quan, ông Tuyên phân tích tỷ lệ tiêm vắc xin đã tăng cao, nhóm trên 18 tuổi mũi 1 cơ bản tiêm xong, mũi 2 đạt xấp xỉ 98%; trẻ em 12-17 tuổi mũi 1 đạt 98%, mũi 2 đạt 96-97%. Độ bao phủ vắc xin như vậy làm một số bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan.

Khi đã có độ bao phủ vắc xin nước ta chuyển sang thích ứng an toàn dập dịch nhưng vẫn theo nguyên tắc 5K + vắc xin + ý thức người dân. Tuy nhiên một bộ phận người dân không thực hiện nguyên tắc này dẫn đến tốc độ F0 tăng cao.

Dự báo thời gian tới, ông Tuyên dẫn khuyến cáo từ WHO nhận định “thời điểm này còn quá sớm coi Covid-19 như bệnh cúm mùa”. Biến chủng Omicron vẫn đang lây lan nhanh chưa từng thấy, năm 2022 dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Song Thứ trưởng Y tế cho rằng không nên quá lo lắng, vì tốc độ tiêm chủng của nước ta cao (đứng top 10 thế giới, thứ 5 châu Á, thứ 2 ASEAN). Thế giới đã nghiên cứu đưa vào sử dụng thuốc điều trị. Ngày 17/2 Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp 3 giấy phép cho các thuốc này đưa vào điều trị.

“Chúng ta có bước đầu kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch từ vùng dịch Sơn Lôi, Trúc Bạch, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM… Chúng ta cũng nắm cơ bản về chủng virus này nhưng không quá chủ quan”, ông Tuyên cho hay.

Khi số F0 tăng cao như vậy, Thứ trưởng Y tế đề nghị các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá dịch từ đó mới có quyết định có nên mở trường lớp, du lịch hay không. Ông Tuyên cũng lưu ý cần tiếp tục nâng cao ý thức người dân tham gia vào công tác tiêm chủng, tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc trong điều trị...

Về công bố số ca F0 hằng ngày, Thứ trưởng Y tế theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, việc thống kê số F0 vẫn phải làm bình thường để phục vụ công tác dự báo, nghiên cứu để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, phát triển KTXH.

Trần Thường - Hồng Nhì

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Thủ tướng giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.