- Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đại đa số nợ công của quốc gia, chiếm 98%, dành chi cho đầu tư phát triển. Đỉnh nợ công quốc gia dự kiến đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, 2020 còn 60,2%.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nợ công của quốc gia (bao gồm nợ Chính phủ vay, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP).
Thủ tướng: Sẽ ban hành chỉ thị về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tuyệt đại đa số nợ công (98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công. Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5%.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo Chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ.
Đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (25% GDP). Thủ tướng cho biết sẽ ban hành chỉ thị của Thủ tướng về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây áp lực đối với cơ cấu thu chi.
Bên cạnh đó, thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công.
Giảm nợ xấu xuống dưới 3%
Cũng trong phiên họp, lãnh đạo NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%.
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những cải thiện trong những tháng gần đây, cụ thể đến ngày 20/8 tăng 4,07%; đến ngày 22/9 tăng 6,62% và đến ngày 20/10 tăng 7,46% so với cuối năm 2013 (cùng kỳ tăng 6,43%). Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng không tính vào số liệu tăng trưởng tín dụng.
Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43%, tính đến giữa tháng 9/2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Từ khi triển khai đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460 ngàn tỷ đồng xuống còn 252 ngàn tỷ đồng (giảm 54,3%).
VAMC đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125 ngàn tỷ đồng nợ xấu, phấn đấu đến hết năm mua 130-150 ngàn tỷ đồng. Hiện VAMC đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu.
Xuân Linh