Tối 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng chủ trì hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Đức. Cùng dự có một số lãnh đạo cấp cao Đức, lãnh đạo một số bộ ngành Việt Nam và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu đôi nét về sự ổn định và phát triển của kinh tế Việt Nam. Trong 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất của 9 tháng từ 2011. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15,1%.

Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, Việt Nam được Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đưa vào top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. 

Thủ tướng cho biết, sau gần 50 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam - Đức đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với những tiến triển và dấu ấn nổi bật ở nhiều lĩnh vực. Đức là một trong những nước châu Âu viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam (khoảng 2 tỷ USD từ 1990). Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Về đầu tư, Đức hiện có 437 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010 (đứng thứ 18/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU). Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%).

“Kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên những năm qua là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với tình hình thế giới có nhiều thay đổi, dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi”, Thủ tướng nêu rõ.

Gợi mở định hướng hợp tác doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp Đức ủng hộ mạnh mẽ để Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định; đảm bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó Đức là đối tác hàng đầu.

Chính phủ và các doanh nghiệp Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030. Do đó, Việt Nam mong muốn Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp cận, huy động các nguồn tài chính xanh, đặc biệt là của các nước G7 và các thể chế tài chính quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện COP26.

Trong bối cảnh kinh tế một số nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với nền tảng chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh, nhân lực dồi dào, môi trường kinh doanh thuận lợi,…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần hài hòa về lợi ích, chia sẻ khó khăn rủi ro. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Mong muốn tất cả doanh nghiệp hai nước hãy bắt tay nhau hợp tác kinh tế 

Vui mừng có mặt tại hội nghị bàn tròn doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, sau hai năm dịch Covid-19 thì cuộc thảo luận trực tiếp này với nhiều chủ đề về kinh tế sẽ là cơ sở, góp phần quan trọng trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: "Đối với nhiều công ty của Đức và châu Âu thì Việt Nam là địa điểm rất quan trọng, bởi Việt Nam nằm trong mạng lưới giao thương, cung ứng nguyên liệu dồi dào của châu Á, sức đề kháng của nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh là rất ấn tượng".

Tình hình dịch bệnh và cũng như địa chính trị gần đây đã cho thấy sự quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Đức phân tích, kinh tế thế giới chỉ thành công khi các nước tận dụng được tất cả khả năng và tiềm năng sẵn có và điều này đúng với Việt Nam – một đất nước có nhiều nguồn nguyên, vật liệu và lao động có trình độ.

Thủ tướng Đức vui mừng khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam có hiệu lực, đây là cơ sở để kinh tế hai nước phục hồi 2 năm dịch bệnh, từ đây hai nước sẽ tạo được tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ kinh tế.

Gợi mở đến doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Đức nói về những tiêu chí có sẵn của Việt Nam như môi trường, sinh thái, những chuẩn mực kinh tế, giao thông vận tải.... 

Trong đoàn đại biểu thăm chính thức Việt Nam lần này có rất nhiều doanh nghiệp Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, họ đến đây để tìm đối tác hợp tác kinh tế, hạ tầng cơ sở, năng lượng… Ông tin tưởng từ hội nghị bàn tròn này doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội tìm hiểu, làm ăn với nhau.

Về đào tạo nghề, Thủ tướng Đức cho biết, các chương trình dạy nghề đang triển khai ở Việt Nam theo mô hình của người Đức và nhận được sự giúp đỡ của doanh nghiệp Đức.

"Đến nay hai nước đã tạo được cơ sở vững chắc cho hợp tác kinh tế. Tôi mong muốn tất cả doanh nghiệp hai nước hãy bắt tay nhau hợp tác kinh tế để hai nước cùng phát triển", Thủ tướng Đức kêu gọi doanh nghiệp hai nước dự bàn tròn chia sẻ kinh nghiệm, mạnh dạn tìm hiểu cơ hội hợp tác của nhau.

Hồng Nhì, Mỹ Hòa, Quyết Thắng