Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn toàn thể bộ máy chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp phải hành động ngay lập tức để xây dựng trước hết là Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong tương lai.. Ảnh: FPT |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã bắt tay xây dựng Chính phủ điện tử ngay từ đầu những năm 2000, các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế tốc độ còn chậm, nhiều việc triển khai chưa được như mong đợi.
Thủ tướng mong muốn hội nghị lần này là hội nghị hành động. Sự tham gia tư vấn của các chuyên gia uy tín từ World Bank, Estonia, Malaysia… cùng sự thống nhất cao từ bộ máy chính trị sẽ đưa việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được triển khai nhanh chóng.
Tuy nhiên, để có thể xây dựng được Chính phủ số, trước hết phải có nguồn lực chuyển đổi số. Hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới đang thiếu hàng triệu kỹ sư CNTT chất lượng cao cho công việc này.
Thủ tướng đã dành lời khen ngợi FPT khi đang đi đầu đào tạo nguồn lực này tại Việt Nam. ĐH FPT đã nhanh nhạy triển khai những chương trình học tiên tiến, những môn học về công nghệ mới vào giảng dạy. Cùng với đó, ĐH FPT mở rộng các phân hiệu tại các thành phố lớn đã thu hút thêm nhiều người tài giỏi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp Việt Nam bắt kịp nhịp độ phát triển trên thế giới.
Theo thông tin từ trang tin của FPT, đồng tình với những quan điểm của Thủ tướng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn cho rằng, những bài học từ thành công của Estonia hay Malaysia cho thấy Chính phủ số là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công. Xây dựng thành công mô hình này sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu sức lao động cho cả chính quyền và người dân. Chính phủ số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công minh bạch và hiệu quả hơn. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 8 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Ban Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức ngày 18/7, tại Hà Nội. Được tổ chức lần đầu năm 2011, Vietnam ICT Summit đã trở thành một diễn đàn chính sách, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quy mô quốc gia và quốc tế uy tín nhất của ngày CNTT. Sự kiện năm nay có chủ đề "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số".
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số như Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động, điện toán đám mây…) như một phần của việc hiện đại hoá các chiến lược của chính phủ nhằm tạo ra những giá trị công. Chính phủ số được xây dựng trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế, các hiệp hội và công dân nhằm hỗ trợ việc tạo ra và sử dụng dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ.
Tại Vietnam ICT Summit 2018, FPT có bài tham luận của ông Steven Furst - GĐ chiến lược và Kiến trúc FPT IS, mang tên "Đảm bảo cung cấp các lợi ích của Chính phủ điện tử".