Chiều 29/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo nhiều tin vui về tình hình kinh tế xã hội.
Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, CPI cả năm chỉ 3,5%, thấp nhất khu vực và thế giới; tăng trưởng 8,02%, cao nhất hơn 10 năm qua, tăng tổng GDP của cả nước lên 9,51 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả rất đáng mừng. Trong đó, GDP bình quân đầu người năm nay đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 313 USD so với năm 2021.
"Khi đổi mới, chúng ta chưa được 100 USD/người. Dù khó khăn trong 2 năm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, đó là những số liệu biết nói để cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của chúng ta”, Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ khái quát một số bài học quan trọng, trong đó nêu rõ “càng khó khăn phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, cầu thị”.
Cán bộ phải có vào có ra, có lên có xuống
Đi vào những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành nội vụ năm 2023, Thủ tướng lưu ý đến việc tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Cùng với đó là phòng chống tham nhũng và tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của họ là thước đo.
Nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành nội vụ trong năm 2023 rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành nội vụ. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã xác định rõ những điểm nghẽn liên quan đến ngành, nhưng năm mới cần rà soát lại thể chế, xem mắc ở đâu, nội dung gì, cấp nào phải giải quyết, xử lý.
Bộ Nội vụ tham mưu, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát những quy định liên quan đến công tác, chính sách cán bộ; đổi mới hoàn thiện cơ chế công chức, cán bộ theo hướng liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương.
“Cán bộ phải có vào có ra, có lên có xuống, phải rà soát, sàng lọc, nâng cao chất lượng và cơ cấu, ở mãi một chỗ cũng không được”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến công tác luân chuyển cán bộ, Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng nên nghiên cứu luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương, từ xã lên huyện và từ huyện xuống xã.
Dẫn chứng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm tốt việc này, Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần cán bộ có lên có xuống, có vào có ra, có khen thưởng có kỷ luật; khẩn trương ban hành quy định khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Đây là điều rất nhiều nơi mong muốn cần tập trung làm.
"Động đến cán bộ, tổ chức bộ máy bao giờ cũng rất nhạy cảm"
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến việc thu hút trọng dụng nhân tài cho nền công vụ, có cơ chế cho người lao động yên tâm công tác, đảm bảo lợi ích cả tinh thần và vật chất cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Một nội dung nữa được Thủ tướng gửi gắm đến ngành nội vụ là sớm hoàn thiện mô hình sắp xếp cán bộ, công chức viên chức theo vị trí việc làm. Bởi đây là việc rất khó.
“Tôi nghiên cứu từ 2013, theo đuổi việc này từ khi ở địa phương cũng không làm được. Về Ban Tổ chức Trung ương, tôi cũng say sưa đắm đuối với việc này nhưng cũng chưa làm xong, rất khó”, người đứng đầu Chính phủ kể.
Theo Thủ tướng, phải có vị trí việc làm mới tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được.
“Động đến cán bộ, tổ chức bộ máy bao giờ cũng rất nhạy cảm và khó làm; tinh giản biên chế động chạm đến lợi ích chỗ này chỗ kia, rất khó”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu siết chặt việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục hoàn thiện bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2022, Bộ Nội vụ làm việc này rất tốt, tập trung cao độ và có kết quả số liệu cụ thể. Sắp xếp tổ chức bên trong theo Nghị quyết 18 Trung ương khóa XIII là việc rất khó vì đụng đến tổ chức bộ máy là đụng đến con người, lương bổng, tổ chức bộ máy.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Nội vụ đã cắt giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ và tương đương. Ở địa phương giảm được hơn 2.100 phòng và tương đương, quyết tâm bỏ cấp hàm, giảm được hơn 7.000 đơn vị sự nghiệp.
“Đây là nỗ lực lớn của bộ. Không có các đồng chí thì Chính phủ không hoàn thành được việc này”, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm qua, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, toàn ngành không ngừng đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao và tạo chuyển biến quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực của ngành, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước. Trong đó, Bộ đã tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế lĩnh vực tổ chức nhà nước đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và xu thế phát triển. Qua đó, góp phần đổi mới quản trị quốc gia theo hướng chuyên nghiệp, nhất là quản lý phát triển, quản lý xã hội của nền hành chính nhà nước. Ngoài ra, Bộ đã kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian… Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, công chức, cơ bản hoàn thành xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm theo các kết luận, quy định của Ban Bí thư; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về công chức, viên chức; thẩm định, tham mưu chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng. Ngoài ra, Bộ cũng quan tâm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia từ Trung ương đến địa phương được cải thiện rõ nét gắn với đẩy mạnh Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước. |
Diệu Thúy, Mỹ Hòa, Xuân An