Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị quốc tế sáng 15/5/2019. |
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng đặt câu hỏi: Trên hành tinh này có thứ tài nguyên nào khi càng khai thác sẽ càng nảy nở? Đó chính là chất xám, là sự sáng tạo. Thủ tướng nhắc lại khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc rằng: “Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”.
Theo Thủ tướng, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người. Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng.
Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.
Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt là con người và công nghệ
Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.
Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, Thủ tướng tin tưởng nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức – công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28).
Các lĩnh vực khoa học tự nhiên Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học luôn đạt vị trí tốp đầu ASEAN. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới, sáng tạo, và đã đạt được kết quả tương xứng.
Tránh việc đầu tư cho khoa học và công nghệ theo phong trào, gây lãng phí
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm tồn tại để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập mà chúng ta phải chủ động khắc phục. Theo đó, trước hết là, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực cho phát triển KH&CN.
Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh làm cho số lượng doanh nghiệp theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu. Nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao, rất thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.
Theo báo cáo của Viện kinh tế Việt Nam, đầu tư cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với mức trung bình của thế giới, khi quy về một “mặt bằng” so sánh ở hàng rất thấp trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KH&CN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta.
Do vậy, cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN và ưu tiên chi cho KH&CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí.
Các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh hội nhập, mức độ canh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn đòi hỏi phải đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ, bao gồm nghiên cứu và phát triển. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triến chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói.
Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác địnhkhoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.