Silvio Berlusconi được cho là
đã lập một "thỏa ước bí mật", theo đó ông sẽ từ chức vào tháng 12 hoặc tháng 1
tới, mở đường để Italia bầu chính phủ mới trong tháng 3.
Theo thông tin chưa được xác nhận của hai báo La Repubblica và La Stampa, thủ tướng Italia đã thỏa thuận với đồng minh chính trong liên minh của ông là Umberto Bossi - lãnh đạo Liên đoàn phương Bắc để đổi lấy sự ủng hộ của ông Bossi về cải cách lương hưu.
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Ảnh: Getty Images |
Italy đang chịu áp lực lớn từ Liên minh châu Âu để cải cách hệ thống lương hưu và kéo dài tuổi nghỉ hưu như một phần kế hoạch để kiểm soát gánh nặng nợ công khổng lồ và làm hồi sinh nền kinh tế suy tàn.
Ông Berlusconi đã đạt được thỏa thuận với ông Bossi và sẽ đệ trình kế hoạch cải tổ lương hưu lên EU trong cuộc gặp ở Brussels. "Đừng biến tôi thành kẻ ngốc ở Brussels, và tôi hứa chúng ta sẽ bầu cử trong tháng 3", ông Berlusconi nói với lãnh đạo Liên đoàn phương Bắc, theo tờ La Repubblica. Chính phủ của ông Berlusconi đang ở trong tình trạng gần như khủng hoảng thường trực kể từ khi tái đắc cử năm 2008 với vị thủ tướng bị cáo buộc dính dáng tới nhiều bê bối tình dục, tham nhũng, còn liên minh thì bị rạn nứt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Berlusconi luôn từ chối yêu cầu từ chức và khăng khăng rằng, ông sẽ tiếp tục điều hành Italia cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ năm năm vào 2013.
Thông tin ông có thể từ chức dù chưa được xác nhận, nhưng đã làm nóng thêm bầu không khí chính trị sùng sục khi Italia cố gắng thuyết phục Khu vực đồng euro rằng, họ sẽ gánh vác được sứ mệnh củng cố nền kinh tế và giải quyết nợ nần. Nợ công của nước này vào khoảng 1,8 nghìn tỉ euro, tương đương gần 120% GDP.
Trước đó, ông Bossi nói rằng, liên minh đã đạt được thỏa thuận về cải cách nhưng nó còn phụ thuộc vào quyết định của EU. "Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra một con đường. Bây giờ chúng tôi còn chờ EU sẽ nói gì". Ông cũng bày tỏ sự hoài nghị rằng, chính phủ có thể tồn tại tới 2013.
Tuy nhiên, các thông tin về việc ông Berlusconi đồng ý từ chức trong ba tháng tới đã bị chính văn phòng của ông bác bỏ. Ông Berlusconi là vị thủ tướng dẫn dắt đất nước lâu nhất của Italia thời hậu chiến, nhưng giới phân tích cho rằng, họ không nghĩ ông sẽ tiếp tục ở nhiệm sở lâu hơn tháng 1. Ông đã có ba nhiệm kỳ làm lãnh đạo nước này. Ông trùm truyền thông Berlusconi còn là một trong những người giàu có nhất Italia.
"Chính phủ chuyên môn" cho Italia
Các chính trị gia của Italia đã dẫn dắt đất nước không thành công và nên được thay thế bởi một "chính phủ chuyên môn" gồm các chuyên gia có thể lãnh đạo đất nước đi qua cuộc khủng hoảng nợ. Đó là quan điểm của Paola Subacchi, giám đốc nghiên cứu kinh tế quốc tế tại Chatham House, London.
Bà Subacchi cho biết: "Rõ ràng là trong khi chính phủ Berlusconi không thể cung cấp các cải cách cần thiết để khôi phục lòng tin của các thị trường và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, thì Berlusconi nên từ chức vì lợi ích của đất nước và của châu Âu. Kịch bản tốt nhất cho Italia là một chính phủ chuyên môn, chính phủ của thống nhất đoàn kết quốc gia".
"Chính phủ chuyên môn" sẽ được Tổng thống Giorgio Napolitano bổ nhiệm và hành động mạnh mẽ để giải quyết tình trạng nợ nần trong khoảng thời gian trước khi diễn ra bầu cử. Nó sẽ gồm những người có trình độ cần thiết để đưa đất nước đi theo con đường đúng đắn, những người có kinh nghiệm về chính sách và hoạt động của EU cũng như IMF - "những người hiểu những gì cần làm, những người không bị ràng buộc bởi bầu cử chính trị".
Bà Subacchi nhấn mạnh: "Chính phủ đã nhiều lần minh chứng không thể dẫn dắt đất nước. Italia cần một chiến lược cho tăng trưởng và cần cải cách triệt để".
Khái niệm "chính phủ chuyên môn" khá phổ biến ở Italia. Trong năm 1994, chính phủ của Silvio Berlusconi đã bị thay thế bởi "chính phủ chuyên môn" do Lamberto Dini đứng đầu. Ông Dini được Tổng thống Oscar Luigi Scalfaro bổ nhiệm. Ông này từng đảm nhận cương vị bộ trưởng ngân khố của Berlusconi và nguyên là phụ trách ngân hàng trung ương làm việc với IMF.
Thái An (theo channel4, telegraph)