- Dù vẫn trong khả năng kiểm soát, nhưng cần tiếp tục thực hiện những giải pháp điều hành chặt chẽ để lạm phát cả năm ở mức 7% - Thủ tướng chỉ đạo. 

Ngày 27 và 28/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, xem xét tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng vừa qua và cả năm nay, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau.

Lạm phát giữ 7%

Chính phủ đánh giá nền kinh tế đang từng bước phục hồi, có chuyển biến trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ thực hiện quyết liệt, kiên trì các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ và đầu tư. So với tháng 12/2012, CPI tháng 8/2013 tăng 3,53%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (2,86%). So với cùng kỳ năm trước, CPI còn ở mức khá cao. CPI tháng 8 tăng 7,5%, bình quân 8 tháng tăng 6,9%.

{keywords}
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực để mức tăng GDP cả năm đạt khoảng 5,4%. Ảnh: VGP

Trong bối cảnh tổng cầu còn yếu, năng lực sản xuất khá dồi dào, các chỉ số tăng trưởng tín dụng ở mức thấp... Chính phủ dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 so với cùng kỳ năm trước sẽ được kiềm chế ở mức 7%. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định đây là mức khả thi.

Tin tưởng lạm phát cả năm có thể đạt mức 7% (kế hoạch đề ra khoảng 8%), nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lưu ý phải tiếp tục duy trì những biện pháp quyết liệt. Đặc biệt đà tăng CPI của tháng 8 (tháng có mức tăng cao nhất kể từ sau Tết - 0,83%), vẫn có thể tiếp diễn tháng tới do tăng giá đầu vào điện, than, xăng, nhu cầu mua sắm khai giải năm học mới...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành trong 3 tháng còn lại không chủ quan về lạm phát, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Dù CPI tăng trong tháng 8 và lạm phát vẫn trong khả năng kiểm soát, nhưng cần tiếp tục thực hiện những giải pháp điều hành chặt chẽ để đảm bảo lạm phát cả năm ở mức 7%. 

Về phát triển KT-XH, Chính phủ dự báo có 12 chỉ tiêu vượt đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tạo việc làm.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực để mức tăng GDP cả năm đạt khoảng 5,4%. Xấp xỉ kế hoạch đề ra 5,5% nhưng mức tăng này cao hơn năm ngoái, trong đó khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất. Tạo việc làm cho khoảng 1,54 triệu lao động, so với kế hoạch là 1,6 triệu lao động.

Không lạc quan chỉ tiêu

Thảo luận những chỉ tiêu, kế hoạch cho 2014, các thành viên Chính phủ phân tích những vấn đề đặt ra cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh còn khó khăn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, có thể đặt mục tiêu hợp lý đến 2015 ổn định kinh tế vững chắc (so với kỳ vọng ổn định kinh tế vững chắc vào 2013, tăng trưởng mạnh vào 2014).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, cần đánh giá đầy đủ những khó khăn, lường trước những diễn biến bất động để không đề ra những chỉ tiêu lạc quan. Riêng lạm phát phải tính nhiều yếu tố, điều hành vừa phải, chủ động.

Về chỉ tiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý mức tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, trong khi lạm phát giữ ổn định ở mức 7%.

Một trong những vấn đề Chính phủ thảo luận, đó là xem xét kiến nghị QH nâng mức bội chi ngân sách do cần nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. "Nếu không tăng bội chi ngân sách thì hạn chế đầu tư phát triển. Có thể cân nhắc mức tăng bội chi cho phù hợp" - Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân nêu.

Trên cơ sở đó, dưới gợi ý của Thủ tướng, mức bội chi ngân sách năm tới dự kiến 4,8% so với GDP. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến kiến nghị rà soát, nới vốn trái phiếu chính phủ, đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác hiệu quả ODA và đẩy mạnh đầu tư tư nhân.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh nguồn lực đầu tư nội địa có "cứu cánh chính là FDI". Hệ thống tổ chức tín dụng vừa qua có lúc tăng trưởng lên đến 50% nhưng cũng "tích vào đó đủ chuyện", dựa vào đây sẽ không tránh khỏi những nguy cơ bong bóng, ODA Việt Nam vay mượn tốt, lãi suất thấp nhưng không thể vay mãi, trong khi đó dựa vào ngân sách vốn chưa đủ cho dài hạn, sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách. Ông nhấn mạnh cần có những chính sách rộng mở khuyến khích FDI đổ vào Việt Nam như con đường dẫn đển tăng trưởng cao và ổn định.

Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh kế hoạch phát triển kinh tế tính đến bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. "TPP có sức ép nhưng sẽ có những thúc ép để đổi mới tư duy kinh tế. Còn nếu cứ theo lối mòn cũ sẽ không thể vươn lên" - ông nói.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, Chính phủ đề ra 14 nhóm nhiệm vụ, định hướng và giải pháp lớn.

"Nhiều năm mải mê nghiên cứu các giống lúa chống đất mặn, chịu phèn, tạo được những giống sống được 10-20 năm, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp... nhưng lúa gạo xuất khẩu giá chỉ đạt 400 USD/tấn, so với mức từ 500-800 USD của các nước. Tại sao giá Việt Nam luôn thấp hơn? Chúng tôi đang nghiên cứu, cải tiến để nâng cao" - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát

'Thức ăn chăn nuôi không có gì cao xa nhưng nhập khẩu quá lớn, nhập từ ngô, bột cá, bột mỳ... đến 3 tỷ USD. Nếu đưa khoa học công nghệ vào tự chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay thế nhập khẩu thì không chỉ giành lại thị trường tỉ USD mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho nội địa, phát triển theo chiều sâu" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

"Tiếp tục thu hút vốn FDI nhưng nên định hướng, chọn lọc, không phải thu hút bằng mọi giá. Trong đó, quan tâm những doanh nghiệp FDI lớn, có năng lực góp phần làm thay đổi ngành, giúp chuyển dịch cơ cấu. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, đó sẽ là lực lượng quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết việc làm" - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

"Không thể cứu thị trường bất động sản bằng việc bỏ tiền ra mua sản phẩm thừa. Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường theo hướng giúp tăng cầu bằng cách phát triển nhà ở thu nhập thấp, giúp người dân có nhà, không phải là gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây là gói hỗ trợ trung và dài hạn, nên không mong giải ngân nhanh nếu không đúng đối tượng" - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Linh Thư