- Ban Kinh tế TƯ có 32 tiến sĩ, 60 thạc sĩ là tốt rồi, nhưng chưa đủ, cần huy động các nhà khoa học, quản lý bên ngoài - Thủ tướng chia sẻ với ông Vương Đình Huệ.
Nhân dịp Thủ tướng làm việc với Ban Kinh tế TƯ sáng nay (19/3), Trưởng Ban, ông Vương Đình Huệ xin ý kiến chỉ đạo về việc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP |
Ban Kinh tế TƯ băn khoăn việc có nên tổ chức sơ kết từ cơ sở không. Ông Vương Đình Huệ cho biết do thời gian còn lại ngắn, khó có thể tổng kết sâu rộng mà sẽ căn cứ báo cáo của bộ ngành, địa phương, kết hợp khảo sát một số cơ sở trọng điểm.
“Tổng kết từ dưới lên trên là rất cần thiết nhưng như thế sẽ phải lùi thời gian báo cáo Bộ Chính trị, khó có thể là cuối quý 2mà phải là tháng 8-9, trước khi trình hội nghị TƯ 10 vào tháng 10”, ông Vương Đình Huệ nói. “Nhưng nếu làm kỹ thì có thể tìm được phương án cải cách thể chế, tạo động lực mới cho phát triển”.
Chia sẻ nhận định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Trung, cho rằng: Nên tiếp cận từ thực tế ngược trở lại để xem xét vai trò của nghị quyết. Vì thực tế cuộc sống vẫn diễn ra, các mô hình, điển hình mới xuất hiện từ thực thế chứ không phải ngồi trên này nghĩ ra. Từ đó khái quát thành tầm nhìn của Đảng.
Ông Trung lấy việc điều hành giá xăng dầu, điện, than… “đầy máu lửa, cam go, gian nan” thời gian qua là những ví dụ về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: hiện thực hóa mục tiêu đưa các loại giá này theo thị trường dưới các sự ép về chính trị, xã hội, kinh tế, dư luận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình kinh tế thị trường định hướng XHCN là tính đúng, tính đủ giá cả theo thị trường, cạnh tranh bình đẳng…, đồng thời có công cụ, chính sách điều tiết để vùng nghèo, vùng sâu, xa, hộ nghèo, hộ chính sách... có điều kiện phát triển.
Ông yêu cầu tiến hành việc sơ kết đúng tiến độ, theo góc độ quản lý điều hành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, trên cơ sở báo cáo của các bộ ngành, địa phương.
“Việc sơ kết đánh giá cụ thể những mặt làm được, chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá cả những vấn đề liên quan như xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước…
Theo ông, “kinh tế thị trường định hướng XHCN là một lĩnh vực mới, khó, chưa có tiền lệ, chưa có con đường sẵn, đòi hỏi ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, câu trả lời chính là ở thực tiễn”.
Nhân cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ban Kinh tế TƯ kể từ khi ban này được tái lập, Trưởng Ban Vương Đình Huệ cũng đề nghị Thủ tướng, người từng đứng đầu Ban Kinh tế TƯ trước đây, chia sẻ kinh nghiệm. Theo Thủ tướng, kinh nghiệm lớn nhất của ông là tập hợp trí tuệ: “Ban Kinh tế TƯ hiện có 32 tiến sĩ, 60 thạc sĩ là tốt rồi, nhưng chưa đủ, cần huy động các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý bên ngoài để tập hợp được trí tuệ và tâm huyết của họ đối với đất nước, từ đó làm tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò tham mưu của Ban, vì mục đích chung là phát triển kinh tế đi liền với công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”. |
Chung Hoàng