Sáng 5/2, tại Bình Định đã diễn ra hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng. Hội nghị lần này có chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và khoảng 800 đại biểu tham dự hội nghị.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193 km lên 1.390 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng, Bộ GTVT đề xuất, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch quản lý, đầu tư phát triển KCHTGT vùng. Thứ nữa, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình KCHTGT do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố.
“Đa dạng nguồn lực để phát triển KCHTGT, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư.
Các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics, điều hành giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực ra vào đầu mối vận tải lớn.
Đô thị hóa là “con gà đẻ trứng vàng”
Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là vùng tiềm năng rất lớn, cơ bản còn nguyên và chưa sử dụng bao nhiêu. Giai đoạn này đến năm 2026, tiến hành xây dựng tiền đề thể chế, hạ tầng, nguồn năng lực. TS. Trần Du Lịch mong muốn có 3 nhóm giải pháp.
“Vấn đề thể chế, cần mở rộng cơ chế, phân cấp, phân quyền, tăng tự chủ địa phương. Bộ, ngành tập trung 3 việc, nắm bắt quy hoạch, ban hành quyết định một cách minh bạch, triển khai giám sát sai phạm”, ông Lịch nói.
Vấn đề tiếp theo chính là cơ chế huy động vốn. Vốn nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng nhất, an toàn nhất để phát triển trong tương lai. Quá trình phát triển giao thông gắn liền với đô thị hoá. Đô thị hoá là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách. Giao thông đến đâu, phát triển mô hình khu dân cư đến đó.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, cần chia lại các tiểu vùng, cần gắn liền với Tây Nguyên.
“Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với Gia Lai, Kon Tum. Còn phía Đông với Đắk Lắk, Đắk Nông. Mô hình này liên kết ngang dọc, tạo thế cùng phát triển. Tôi kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành cơ quan hội đồng tiểu vùng, có cơ chế hoạt động để phát triển nơi này”, ông Lịch kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, việc kết nối các tỉnh trong vùng còn rời rạc, kết nối vùng với đất nước chưa chặt chẽ, kết nối vùng với thế giới chưa đầy đủ.
Thủ tướng cho rằng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế nhưng mối liên kết sử dụng chung thế nào cũng là vấn đề phải suy nghĩ. Vì vậy, để phát huy tiềm năng của vùng, cần có sự kết nối hạ tầng với các vùng. Kết nối ở đây là kết nối về con người, thể chế, ý tưởng, sáng tạo đổi mới, đặc biệt là kết nối cứng hệ thống giao thông chiến lược.
Theo Thủ tướng, phải có cơ chế phát huy hết năng lực con người.
“Người miền Trung trí tuệ có, phẩm chất có, chịu thương, chịu khó. Đây cũng là “túi mưa”, “chảo lửa”, rất khó khăn, nhưng chính khó khăn đó tôi luyện con người bản lĩnh, không ngại khó khăn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cùng xây dựng quyết tâm biến vùng đất này thành vùng đất giàu có, giàu văn hóa và đột phá hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị các địa phương trong Vùng phải tạo cơ hội, môi trường tốt để thu hút nhà đầu tư. Còn vốn vay phải hiệu quả; thủ tục vay nhanh, gọn.
Đồng thời, Thủ tướng lưu ý các địa phương khi thu hút đầu tư cần đứng trên quan điểm hợp tác 2 bên cùng phát triển. Phải luôn đổi mới môi trường đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư và phải tạo ra nhà đầu tư chiến lược.
Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 9 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có tới 5 nghị quyết cho các địa phương trong Vùng, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa. Vùng đạt tăng trưởng giai đoạn 2005-2020 là 7,3%/năm, so với cả nước là 6,36%. Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước (xếp thứ 3/6 vùng); GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/người/năm (gấp 7 lần so năm 2005). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 31,82% và 40,81%); du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn (giai đoạn 2005-2019 tăng 16%). |