Trong số 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, MobiFone và VNPT – Công ty mẹ là 2 trong 4 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phấn đấu quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tạo thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp nhận 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương và đã đề xuất một số giải pháp khắc phục, xử lý.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những tồn tại của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa thoái vốn. Còn một số tập đoàn, tổng công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm. Một số cán bộ chưa bám thực tiễn nên giải quyết nhiệm vụ chưa thuyết phục, gây chậm trễ thời gian dài. Chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không đầu tư phát triển sẽ thua cuộc ngay trên sân nhà, trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đến 20 tỷ USD, đã có thêm 140 nghìn doanh nghiệp tư nhân với số vốn bình quân 12 tỷ đồng, còn các dự án đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại không đạt tiến độ.
Thủ tướng cũng cho rằng, còn có những cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ khác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp khó khăn. Ủy ban cũng chưa đề xuất được thể chế để sửa các vướng mắc này. Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc chậm trễ, vướng mắc có nguyên nhân từ việc phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành chưa hiệu quả: “Tôi đề nghị các đồng chí phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Quan hệ hợp tác giữa Ủy ban với các cấp bộ, ngành với các tập đoàn, tổng công ty là một nguyên nhân chậm trễ, còn tình trạng ít hợp tác giữa quản lý ngành và Ủy ban”.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm quan trọng đối với đất nước, nhiều sự kiện, nhiệm vụ lớn phải thực hiện, song cũng nhiều thách thức đặt ra. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải tập trung khắc phục yếu kém, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Tháng 8/2019, Thủ tướng đã phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong số 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, MobiFone và VNPT – Công ty mẹ là 2 trong 4 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Hồi tháng 2/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thăm và làm việc VNPT. Phó Thủ tướng đề nghị VNPT phải chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho hay, từ năm 2016, VNPT đã chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. Mục tiêu cổ phần hóa nằm trong chiến lược phát triển của VNPT cũng như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
VNPT xác định giá trị doanh nghiệp và đến cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành IPO (niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu). Trả lời câu hỏi của ICTnews liên quan đến việc VNPT đã xác định chọn đối tác chiến lược ở trong nước hay nước ngoài hay chưa? Ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ: “VNPT vẫn chưa đặt mục tiêu sẽ chọn đối tác chiến lược ở trong nước hay nước ngoài. Song những đối tác chiến lược có kinh nghiệm tốt sẽ giúp VNPT sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình. VNPT dự kiến bán 35% cổ phần và Nhà nước giữ lại 65% cổ phần. Như vậy, VNPT vẫn là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần khống chế. VNPT xác định việc cổ phần hóa cần đươc tiến hành thận trọng với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho VNPT và Nhà nước. Tuy nhiên, phương án cổ phần hoá VNPT sẽ được phê duyệt ra sao phải chờ Ban Chỉ đạo cổ phần hoá VNPT quyết định”.
Giới phân tích cho rằng, tuy tiến độ cổ phần hóa VNPT và MobiFone đến hết năm 2020, thế nhưng tiến độ cổ phần hóa VNPT thuận lợi hơn còn MobiFone sẽ gặp nhiều khó khăn sau biến cố AVG. Từ hồi năm 2015, một cựu lãnh đạo MobiFone cho biết, để cổ phần hóa, MobiFone đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán Bản Việt để tư vấn định giá và chuẩn bị cho IPO. Một số ý kiến cho rằng có thể sẽ khó sử dụng được những kết quả các công ty tư vấn trước đó đã thực hiện. Vì vậy, quá trình tiến hành cổ phần hóa MobiFone sẽ bị kéo dài hơn lộ trình mà Thủ tướng đưa ra. Nếu theo kế hoạch cổ phần hóa MobiFone thì doanh nghiệp này đã chậm hơn 10 năm. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đối với danh nghiệp trong việc kêu gọi các đối tác chiến lược đầu tư để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh cũng như tạo cơ chế năng động hơn sau khi được cổ phần hóa.