Trước quốc hội Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi một "nước Nhật
hùng mạnh" và thề tiếp tục bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong cuộc tranh chấp
bế tắc với Trung Quốc.
Nhật đòi quần đảo tranh chấp thành di sản, TQ nổi đóa
Lãnh đạo Trung, Nhật thi nhau thị sát quân đội
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu lớn thứ hai về chính sách trước quốc hội Nhật, hôm qua, ông Abe đã so sánh tranh chấp biển Hoa Đông với cuộc chiến năm 1982 giữa Anh-Argentina xung quanh quần đảo Falkland ở ngoài khơi Nam Mỹ. "Nhìn lại cuộc xung đột Falkland, cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói 'nguyên tắc luật pháp quốc tế phải chiến thắng việc sử dụng vũ lực", Thủ tướng Nhật nói trước các nhà lập pháp.
Bà Thatcher nổi tiếng với khả năng tập hợp sự ủng hộ của quốc gia cho cuộc chiến 74 ngày để bảo vệ các đảo nhỏ trong chuỗi đảo.
Trong khi mối bất hòa giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa đạt tới mức xung đột vũ trang, thì quân đội của cả hai nước đã bắt đầu điều động lực lượng tới khu vực gần quần đảo tranh chấp. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền. Trong một vụ việc, Nhật Bản đã cáo buộc hải quân Trung Quốc khóa hệ thống rađa trên tàu chiến Nhật - điều mà ông Abe mô tả là "hành động leo thang nguy hiểm". Dĩ nhiên, Bắc Kinh phủ nhận việc này.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Abe giành được sự ủng hộ của nhiều người dân Nhật khi họ cho rằng, các nhà lãnh đạo tiền nhiệm không đủ cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ quần đảo tranh chấp. Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm qua, ông Abe tuyên bố: "Tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền của chúng ta và cuộc sống của người dân chúng ta. Những đe dọa với an ninh quốc gia sẽ không phải là vấn đề của riêng ai. Đó là một mối nguy hiện hữu và rõ ràng". Tuyên bố của ông nhận được sự tán thưởng lớn tại quốc hội Nhật.
Cùng ngày, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập tới phát biểu của ông Abe nhưng khẳng định quan điểm của Bắc Kinh rằng, Tokyo đang "bóp méo sự thật và hành động vô trách nhiệm" tại quần đảo tranh chấp.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật đánh dấu sự quan tâm trở lại của ông với các vấn đề quốc phòng và an ninh. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe được biết tới như một người vững vàng đi theo chủ nghĩa dân tộc. Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông trong một số cuộc thăm dò ở mức khá cao, trên 70%. Nhiều người dân Nhật tán thành các đề xuất của ông trong việc tạo lập quân đội lớn hơn, tích cực hơn, và nới lỏng các hạn chế đưa ra trong hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật về triển khai quân sự.
Trong bài phát biểu, ông đã thể
hiện lòng nhiệt thành về sự ủng hộ với
lực lượng phòng vệ bờ biển, lực lượng phòng vệ nói chung của Nhật trong tăng
cường tuần tra, giám sát và phòng thủ quần đảo tranh chấp và vùng biển lân cận.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật cũng tỏ ra cân bằng với lời kêu gọi đàm phán bình tĩnh với Bắc Kinh. "Quan hệ Nhật - Trung là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất. Tôi đề nghị Trung Quốc trở lại gốc rễ của quan hệ chiến lược cùng có lợi, để đảm bảo các vấn đề cá nhân không ảnh hưởng tới quan hệ tổng thể nói chung. Cánh cửa hội đàm của chúng ta luôn rộng mở".
Thái An (theo Wall Street Journal)