Chính phủ nước này đã cùng lúc thiết lập đội phản ứng thích hợp gồm các chuyên gia thiên tai, cứu hộ và các đội quân sự để cung cấp nhân lực và vận chuyển. Nữ Thủ tướng đã thân chinh đi thị sát những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Yingluck đã yêu cầu các bộ trưởng làm việc trắng đêm tại 12 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, nơi họ sẽ đảm nhận công việc phối hợp cứu trợ. Bà nói, 12 bộ trưởng sẽ báo cáo trực tiếp cho bà trong khi làm việc với các thống đốc tỉnh cũng như các đơn vị quân sự đồn trú trong khu vực. Bà nhấn mạnh việc này sẽ đảm bảo cho chính phủ phản ứng hiệu quả với những thay đổi của tình hình.
Nữ Thủ tướng Thái cũng là chủ tọa cuộc họp qua video để điều phối các nỗ lực cứu trợ lũ lụt của chính phủ với các tỉnh bị ảnh hưởng.
Nữ Thủ tướng Thái đi thị sát tình hình lũ lụt. Ảnh: thaitravelnews |
Hôm chủ nhật, bà đã đáp trực thăng xuống khu vực đê vỡ tại tỉnh Sing Buri, cố gắng trấn an lòng dân. Bà Yingluck có thể tận mắt chứng kiến cảnh lũ lụt ở hàng chục tỉnh cũng như cuộc sống khốn khổ của người dân, để có những cân nhắc về những gì mà không người tiền nhiệm nào có sự quan tâm đầy đủ. Đó là thiết lập và bắt đầu làm việc trên hệ thống hiện đại về kiểm soát, bảo tồn nước và quản lý lụt lội. Khó có thể kiểm soát được thời tiết và thiên nhiên, nhưng chắc chắn có thể làm những gì cần thiết để kiểm soát những hậu quả tiêu cực.
Ngay sau khi nhậm chức, bà Yingluck đã giải quyết hai vấn đề chính sách rất khác nhau bằng cách tương tự. Bà chỉ trích các nỗ lực của quốc gia trong phòng chống ma túy, nhấn mạnh rằng, thực tế không rõ bao nhiêu ban ngành trong sáu bộ khác nhau chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bà nói, mọi cơ quan cần tham gia nỗ lực chung, đồng nhất và hệ thống.
Bà đề cập tới vấn đề lũ lụt theo cách tương tự. Theo bà, nạn phá rừng thường xuyên là nguyên nhân rõ ràng cho những tổn thất nặng nề về người và của khi bão lũ xảy ra. Chặt phá rừng khiến các làng mạc dễ tổn thương bởi lở đất, lụt lội. Bà khẳng định, những vấn đề dù là đơn giản nhất như cảnh báo thảm họa cũng đòi hỏi hai bộ riêng biệt và cơ quan Dự báo Khí tượng độc lập. Chưa đầy tháng trước, bà kết luận: “Cần phải hợp nhất các ngành”.
Bà đã đúng và bà cần thúc đẩy vấn đề này. Đó là vấn đề của sự sống và cái chết, nơi quyền lực đòi hỏi tập trung hóa. Khó có thể chấp nhận rằng, những cảnh báo thảm họa lại phải đi qua các bộ rồi cơ quan dự báo khí tượng. Những người dân làng mới chỉ tháng trước đây đã nói với chính quyền rằng, họ thậm chí không tin vào cảnh báo sắp xảy ra và trong số ấy, đã có làng bị lở đất chôn vùi.
Tình trạng lũ lụt hiện nay đòi hỏi nữ Thủ tướng cần tập trung những trợ lý thân cận và các bộ trưởng liên quan, cùng làm việc trên hệ thống quản lý lụt lội thích hợp. Người dân Thái khó có thể chấp nhận cảnh các đập thủy điện ngập tràn nước trong mùa mưa và không lưu giữ được nước trong mùa khô, cũng không thể chấp nhận cảnh báo lũ lụt không có độ tin cậy.
Những gì chính phủ mới của bà Yingluck có thể và nên làm là thiết lập các chuẩn mực mới.
Thái An (theo Bangkokpost)