Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&CN xử lý vi phạm trực tuyến về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Công văn của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Báo ICTnews phản ánh về sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đang dẫn tới tình trạng xuất hiện hàng loạt các vi phạm trực tuyến về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Trước đó, ngày 28/4/2017, ICTnews đã đăng tải bài viết “Thương mại điện tử Việt Nam "đau đầu" trước vấn nạn vi phạm trực tuyến” phản ánh sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đang dẫn tới tình trạng xuất hiện hàng loạt các vi phạm trực tuyến về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.

Tại tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử” vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô khoảng 4 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng) và kỳ vọng đạt 10 tỷ USD khi tỉ lệ sử dụng smartphone trên 70%, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam đạt tới mức trung bình 22%/năm.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng dẫn tới tình trạng xuất hiện hàng loạt các vi phạm trực tuyến, trở thành thách thức lớn đối với lĩnh vực này. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được cung cấp thông qua các website mua bán trực tuyến của bên thứ ba. Do đó, cần nâng cao nhận thức của chủ thể quyền để phát hiện, cung cấp chứng cứ xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra và thu thập thêm bằng chứng.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho rằng, những vi phạm liên quan đến SHTT vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Theo bà Quỳnh, hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn như đang tồn tại nhiều hành vi như cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quảng cáo; các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử. Cùng với đó, khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý xâm phạm…

Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp, chủ thể quyền SHTT cần áp dụng các biện pháp bảo vệ; nỗ lực hợp tác của chủ thể doanh nghiệp, chủ thể quyền với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền; hoàn thiện các văn bản pháp luật; nâng cao năng lực cơ quan thực thi quyền SHTT…