-Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài: Giấu bằng thạc sỹ, xin làm osin. Nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.
Thừa bằng cấp, thiếu kỹ năng sống?
Đó là nhận định của nhiều bạn đọc phản hồi về Báo VietNamNet trước tình trạng khá đông người có bằng cấp mà không có việc làm.
Email info@p5media.vn nêu thực trạng: Có nhiều bạn học xong, hay đang ôn thi cao học, đi xin việc, nói thì hay nhưng khi gặp chuyện thì lại không biết làm sao? Các bạn sinh viên mới ra trường đùng đùng kéo nhau đi học thạc sỹ, kinh nghiệm chưa có, kinh tế khó khăn => bán rẻ chất xám là chuyện bình thường. Học vấn cần nhưng chưa đủ. Kinh nghiệm thực tiễn là yếu tố quan trọng nhất khi tuyển dụng.
Bạn Xuan Thao Ngo cũng tán đồng: Do các cử nhân, thạc sĩ thiếu kỹ năng sống và am hiểu xã hội, chỉ biết học gạo trong nhà trường và tưởng rằng ra trường sẽ có việc làm, đâu có dễ vậy? Tôi đọc bài viết toàn thấy các vị cử nhân, thạc sĩ ngồi chờ một cách bị động. Biết bao người không bằng cấp học hành gì cũng cố gắng vươn lên học hỏi và thành đạt đó thôi. Do đó bạn Xuan Hoa nêu ý kiến: Phải xem lại chất lượng cái bằng? Nếu người có bằng đó giỏi thật thì đã tự tìm được công việc bằng chính ngành học của mình rồi. Bạn Trần Hiếu phụ họa: Cầm cái bằng rồi, hãy hỏi mình có biết làm gì để người ta nhận hay không? Cử nhân, thạc sĩ giờ quá nhiều. Chất lượng đào tạo kém, ra không biết làm gì mà đòi lương đúng với bằng cấp, đúng chuyên môn? Doanh nghiệp đâu có dại?
|
Ảnh có tính chất minh họa |
Email TSL@yahoo.com khích lệ: Hãy tự thân vận động, đừng ỷ vào những tấm bằng cao, bằng đỏ các bạn ơi! Nhưng email này cũng cảnh báo: Với việc đào tạo như nước ta, 10 năm nữa ai đến tuổi cũng có bằng đại học và thạc sỹ! Việc học cao (từ cấp 1 lên tiến sỹ) dễ dàng và được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố (quyền, tiền, thế, địa vị,...) thì bằng cấp chỉ là cái để đọc và xem, không thể mang ra để nuôi sống cuộc sống của mình đâu!
“Học giỏi thôi chưa đủ, phải làm giỏi, thích nghi với mọi điều kiện. Không phải bạn học ngân hàng ra là phải vào làm ở các nhà băng mới là đúng nghề. Không nhất thiết học sư phạm thì bạn phải đi dạy mới là làm việc. Các bạn hãy thích nghi với cuộc sống và luôn sáng tạo, không thể chờ đợi may mắn hay ai đó trao vào tay mình những công việc theo ý muốn được. Than thở ít thôi và hãy xem những việc mình đang làm có thể sáng tạo và phát triển thêm được đến đâu mà có hướng đi cho bản thân”. Đó là ý kiến của bạn Hải Duy.
Bạn Ngo Quoc Nam chia sẻ về một khó khăn mà các bạn trẻ tìm việc làm đang phải đối mặt: Tôi thấy có bằng cấp nhưng mà không quen biết, không có người quen nơi mình muốn xin vào làm việc thì cũng… chào thua. Ít nhất thì cũng phải có phí "bôi trơn". Mà phí này thì ít cũng tầm 50 triệu. Đây là số tiền lớn với nông dân. Cũng tội nghiệp các bạn mới tốt nghiệp. Nhưng biết sao giờ?
“Ở nước ngoài, thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp cũng là… chuyện thường”, đó là lời an ủi của bạn An Nguyễn.
Hãy học một nghề mà xã hội cần
Nhìn nhận của bạn Nguyễn Tiến Đạt: Lẽ ra nên định hướng nghề nghiệp ngay từ khi mới học hết cấp 2. Bạn nào kinh tế khó khăn, học lực trung bình thì sang cấp 3 vừa học nghề, vừa học văn hóa. Năm 18 tuổi cũng có tay nghề vững, đủ kiếm tiền nuôi bản thân và tiết kiệm cho xã hội. Tôi nhớ cách đây 4 năm, khi Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc đưa ra đề xuất về "phân luồng đào tạo" đã bị xã hội " ném đá" tơi tả. Giờ mới thấy là nếu 4 năm trước sớm áp dụng thì nay đã có đội ngũ công nhân tay nghề cao chứ không đến mức có mấy chục ngàn cử nhân thất nghiệp!
Bạn Trần Hiếu rất tán đồng ý kiến trên: Xã hội cần những người thợ qua đào tạo! Một anh trung cấp nghề, cao đẳng nghề ra có nghe thất nghiệp bao giờ? Tuy lương thấp nhưng dù sao vẫn ổn định cuộc sống. Các bạn trẻ hãy coi lại cách nhìn nhận về nghề nghiệp của mình mà chọn cho đúng con đường. Các bậc phụ huynh cũng vậy. Thời này, quan trọng là các em ra đời có khả năng như thế nào để xin việc? Đừng chê thợ mà ân hận. Email vankien18@gmail.com viện dẫn thực tế: Sinh viên khoa cơ khí của Bách Khoa hay Sư Phạm Kỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh cung không đủ cầu, làm gì có chuyện thất nghiệp? Bạn Tran Mai Long cổ vũ: Bạn nào có trình độ thật sự hãy tự tìm việc cho mình, học một nghề mà xã hội cần. Học lại, học thêm, học mãi đi bạn!
Những lời nhắc nhủ của Ngọc Minh: Tôi thấy các bạn và gia đình các bạn mắc phải nhiều lỗi trong quá trình định hướng nghề nghiệp, nên xảy ra nhiều trường hợp như thế này. Thứ nhất là cách học theo kiểu ngày xưa, chăm chỉ như những con ong, học thật giỏi, ra trường cầm tấm bằng khá, giỏi. Suốt thời gian sinh viên, có bao nhiêu bạn đi làm thêm và định hướng công việc của mình? Vì thế, các bạn chỉ có kiến thức sách vở chứ đâu có thực tiễn? Trong khi đó, đi đâu người ta cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Tôi nghĩ việc làm thêm sẽ giúp bạn bạn nhiều hơn sau khi ra trường. Thứ hai, tôi thấy nhiều bạn đi học cao học trong khi chờ việc. Điều này thật buồn cười nhưng lại là một thực trạng hiện nay. Và với kiểu đào tạo thạc sỹ ở nhiều nơi thì bằng thạc sỹ cũng không có tác dụng mà các bạn chỉ tốn tiền mà thôi. Thứ ba, tôi thấy bạn nào cũng xin vào nhà nước, trong khi doanh nghiệp lại đang cần các bạn!
Bạn Vũ Tùng nhắc tới trách nhiệm của cơ quan quản lý: Đây là hậu quả của việc Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép mở nhiều trường đại học. Tuy đáp ứng được tiêu chí đào tạo nhiều cử nhân/số dân, nhưng lại không lường trước được… tình trạng thất nghiệp. Email vankien18@gmail.com phụ họa: Nhu cầu của thị trường có hạn mà tỉnh nào cũng có trường Đại học, ngành nghề đào tạo chỉ toàn quản trị kinh doanh với tài chính, ngân hàng, không thừa sao được? Email hongsuoi.dl@gmail.com cũng tán đồng: Đào tạo tràn lan không có qui hoạch, với cơ chế "xin-cho” thì vô hình trung làm lãng phí nguồn chất xám nhưng lại cho ra lò những anh chỉ biết… ngồi chơi xơi nước. Giải quyết vấn đề này không phải một Bộ, ngành nào, mà phải có sự chung tay phối hợp của các bộ ngành liên quan.
Ban Bạn đọc