- Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, các nước trên thế giới đã có luật riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ những 50-60 thế kỷ trước, Lào cũng đã có, còn Việt Nam giờ mới xây dựng.

Tại phiên thảo luận QH hôm nay về dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là luật hết sức quan trọng, phức tạp và khó làm.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện đang chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách nhà nước, việc làm, GDP rất lớn. Tuy nhiên cơ chế chính sách chưa nhắc đến cụ thể, lâu nay các nghị định 90, 56 chỉ nói chung chung.

{keywords}
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VPQH

“Chúng tôi cũng đã rà soát tất cả các nước, hầu hết đều đã có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm từ đầu những năm 50 và 60 thế kỷ trước. Lào cũng đã có, chỉ còn Việt Nam và Campuchia chưa làm”, Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ.

Do đó ông Dũng cho rằng việc xây dưng luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể chậm trễ và chần chừ thêm nữa.

“Kinh tế sắp tới sẽ lớn mạnh như thế nào thì chúng ta phải đầu tư, phải có cơ chế, chính sách. Nếu chúng ta tư duy, ngại vấn đề không tháo bỏ được, không đột phá được thì không bao giờ hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Băn khoăn nguồn hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều ĐB băn khoăn về tính khả thi khi luật hoá việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay.

Dẫn ra một loạt con số, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu, giai đoạn 2016-2020, bố trí ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất khó khăn và chưa có phương án cụ thể.

Trong khi đó ĐB Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) chỉ ra điểm bất hợp lý khi dự thảo yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Sau đó nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng này.

“Chính phủ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó, có thể là các biện pháp như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu, tái cấp vốn, khoanh nợ, xử lý rủi ro, trích lập dự phòng... Những ưu đãi như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong luật Các tổ chức tín dụng”, ông Bình nói.

Dùng quyền tranh luận, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói, "tôi có tư duy khác là không phải nhà nước đưa tiền cho các doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh mà nhà nước tạo cơ sở và cơ chế tham gia".

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Thân. Ảnh: VPQH

Ông Thân cho rằng việc đề xuất ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn chính là đề nuôi dưỡng nguồn thu.

“Chúng ta không đưa tiền vào đó mà các ngân hàng có nghĩa vụ, nhận tiền của dân thì phải có trách nhiệm với những thành phần đang khó khăn”, ông Thân nêu quan điểm, không nên nghĩ bỏ ra 1 đồng là mất 1 đồng.

Ngay sau đó, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) giơ biển tranh luận phản biện ý kiến ĐB Thân.

Ông Thắng cho rằng các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp, nên không thể nói phải cho vay.

"Chúng ta cũng không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng bảo là phải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, hỗ trợ. Nếu như căn cứ vào dự thảo này thì nói thật dù có ban hành các chương trình thì các ngân hàng thương mại cũng không thể cho vay được", ông Thắng gay gắt.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Ban soạn thảo và Chính phủ xác định nguyên tắc hỗ trợ không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết thực tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ.

Theo đó, hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ nhà nước có, nhà nước muốn mà hỗ trợ những thứ doanh nghiệp cần, hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Về tiếp cận tín dụng của ngân hàng, ông Dũng khẳng định: “Không phải là quy định cứng nhắc bắt buộc để các ngân hàng phải có tỷ lệ bao nhiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp mà là khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các lãi suất, với thời hạn vay ưu đãi và với thủ tục dễ dàng để doanh nghiệp tiếp cận”.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo luật này sẽ tiếp tục được trình ra QH kỳ họp tới.

Thúy Hạnh