Cố đô Huế là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán...
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sở hữu các thương hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...
Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê và phân công quản lý (trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp tỉnh) 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt, công bố.
Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những lợi thế nổi trội và mang bản sắc riêng như: Khai thác thế mạnh của loại hình du lịch di sản văn hóa; tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để sáng tạo, hình thành nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng từ những nghề và làng nghề thủ công nổi tiếng; đa dạng các loại hình nghệ thuật biểu diễn; từng bước hình thành kinh đô ẩm thực; hỗ trợ phục hồi và phát triển nghề may thêu, đặc biệt là may thêu áo dài, trang phục cổ.
Nhiều làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Huế đã trở thành những điểm đến du lịch, quà tặng lưu niệm không thể thiếu đối với du khách, như làng gốm Phước Tích, làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, làng đan đệm bàng Phò Trạch và các sản phẩm như nón, túi xách từ cây cỏ bàng, làng đan lát Bao La…
Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như áo dài, nón lá, hạt sen… cũng dần được quan tâm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trở thành sản phẩm văn hóa. Các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, bảo tàng… cũng được quan tâm hỗ trợ các nguồn lực, trong đó, một số bảo tàng tư nhân như: bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, bảo tàng Nguyễn Chí Thanh… được hỗ trợ các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng và đã trở thành những địa chỉ văn hóa, du lịch thu hút đông đảo khách tham quan khi đến Huế.
Cùng với đó, Huế còn có bản sắc đậm đà, được thể hiện thông qua nếp sống, phong tục tập quán, như văn hóa ẩm thực, trang phục, văn hóa vườn, văn hóa ứng xử đều có tính đặc thù.
Trong văn hóa ẩm thực, Huế có hơn 1.300 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, dân gian và đồ ăn chay. Ngoài ra, di sản văn hóa Huế còn có kho tàng tri thức khoa học truyền thống phong phú, chứa đựng trong hoạt động của bộ máy triều đình. Tri thức khoa học chứa đựng trong kho tàng thư tịch Hán Nôm có đủ các loại hình, ghi chép rất nhiều mặt đời sống chính trị, luật pháp, kinh tế, ngoại giao văn hóa - xã hội, y dược cổ truyền của Việt Nam...
Bên cạnh việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, để văn hóa trở thành một ngành công nghiệp, công tác bảo tồn di sản, tu bổ di tích văn hóa, lịch sử cũng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, đầu tư nguồn lực tương xứng.
Công tác bảo tồn luôn tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt là vừa bảo vệ tổng thể di tích gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vừa bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với phát huy giá trị văn hóa tinh thần đã góp phần hồi sinh di sản Huế.
Để di sản văn hóa phát huy được các giá trị, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tỉnh chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu về hệ thống di sản văn hóa Huế, các điểm tham quan du lịch di sản văn hóa ở Thừa Thiên Huế nhằm thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều di sản văn hóa Huế đã được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Huế ngày một tăng lên, thời gian lưu trú cũng lâu hơn trước đây.
Từ cuối năm 2018, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” từng bước được triển khai thực hiện, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế. Ngành du lịch của tỉnh phối hợp với các đối tác thực hiện số hóa 3D một số món ẩm thực của Huế và xây dựng một số video clip, thu ghi âm lại phần trình diễn, hướng dẫn các món ẩm thực của các nghệ nhân.
Kể từ khi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Huế nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, xã hội góp phần gia tăng thu nhập về kinh tế cũng như sự thụ hưởng các giá trị văn hóa cho người dân.
Diệu Bình