Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn

Theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội  phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình là: "Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững".

Ngày 22 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 263/QĐ-TTg Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các nội dung chủ yếu về văn hóa được quy định trong 03 nội dung thành phần:

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới (Nội dung 05: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn);

Phát triển kinh tế nông thôn (phát triển du lịch nông thôn, Nội dung 08: Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị);

W-apvanhoa.png
Ấp văn hoá Ấp Ngoài

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn (Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.  Nội dung 02: Tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch).

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu

Đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay:

Việc ban hành các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới là điểm nổi bật trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau 10 năm thực hiện ở giai đoạn trước.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu và nội dung phát triển văn hóa trong Chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định và phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những Bộ có hướng dẫn đầu tiên để chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

Tuy vậy, do hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm, theo đó, việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chậm, trong đó có nhiệm vụ hướng dẫn địa phương thực hiện hỗ trợ tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn, hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (điểm b khoản 2 Điều 2 Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022).

Việc ban hành chậm văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thuộc Chương trình. Bên cạnh đó, theo báo cáo của một số địa phương, một số tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương, gây khó khăn trong việc thực hiện, đáp ứng theo chuẩn quy định của Bộ.

Về việc thực hiện một số nội dung cụ thể: Việc tổ chức thực hiện hiệu quả 02 tiêu chí văn hóa nông thôn mới (tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về các danh hiệu văn hóa) góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.

Về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn (nội dung 05 thuộc nội dung thành phần số 02)

Mục tiêu về cơ sở vật chất văn hóa ở nhiều nơi còn khó khăn

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nguồn lực đầu tư từ ngân sách trong những năm đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các địa phương vẫn duy trì, tăng cường đầu tư các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến cuối năm 2022, có 6.712 xã (81,7%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2021). Trong quá trình thực hiện các tiêu chí của lĩnh vực văn hóa, một số địa phương đã vận dụng linh hoạt, hướng dẫn theo hướng mở để quá trình tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo tính lâu dài.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hoá trong triển khai xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn do nguồn lực đất đai và ngân sách hạn chế, khả năng huy động sức dân có hạn, so với mục tiêu đến năm 2025 là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thì kết quả hiện tại còn tương đối thấp.

Việc phấn đấu đạt mục tiêu về cơ sở vật chất văn hóa (đến năm 2025 có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới) còn gặp nhiều thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là tại một số huyện miền núi. Giữa Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi, yêu cầu giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước nên quá trình triển khai còn những khó khăn nhất định.

Về việc thực hiện các tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn (nội dung thành phần số 06).

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân; phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả khá tích cực; tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; cảnh quan môi trường được cải thiện hướng đến xanh - sạch - đẹp; công tác xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được quan tâm; việc cưới, việc tang, lễ hội được quản lý ngày càng văn minh; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư ngày càng sôi động; các mô hình văn hóa, thể thao được củng cố và nhân rộng hướng đến có chiều sâu, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được đẩy mạnh, giá trị danh hiệu văn hóa phát huy được sức mạnh nền tảng trong xây dựng nông thôn mới. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn phát huy, nhiều di tích được bảo vệ trùng tu tôn tạo và xếp hạng. Đến hết năm 2022 đã có 7.552 xã (92%) đạt tiêu chí về văn hóa (giảm 0,3 điểm phần trăm so với cuối năm 2021); cao hơn so với mục tiêu đặt ra.

Chưa khắc phục được sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân cần được tiếp tục quan tâm; chưa khắc phục được sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền; việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, có nơi chưa thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các sân chơi thể thao khó khăn nên việc huy động các nguồn lực cũng như khai thác, phát huy hệ thống các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá, thể thao hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của người dân.

Hồng Anh

Mai Hương và nhóm PV, BTV