Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi cùng lãnh đạo 19 tập đoàn lớn của UAE vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tiếp đoàn tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, bước tiến mà hai bên đạt được trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA), trong đó có vai trò của Quốc vụ khanh là Trưởng đoàn đàm phán phía UAE.

Chúc mừng những thành tựu nổi bật của UAE trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, khẳng định định hướng đúng đắn của các kế hoạch nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của UAE, Thủ tướng cho biết Việt Nam muốn tham khảo kinh nghiệm của UAE về vấn đề này.

Hiện hợp tác kinh tế Việt Nam - UAE đang được thúc đẩy mạnh mẽ với tổng kim ngạch thương mại song phương 7 tháng năm 2024 ước đạt trên gần 4 tỉ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Hai bên nhấn mạnh quyết tâm về việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là sớm nâng tầm quan hệ song phương và hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; sớm kết thúc đàm phán, hướng tới ký kết Hiệp định CEPA cân bằng, đôi bên cùng có lợi.

Đồng thời tạo thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư; nghiên cứu, xem xét giảm thuế suất với một số mặt hàng để phát huy thế mạnh có thể bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế; sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD.

nongsan
Ảnh minh hoạ

Hai bên cần phối hợp chặt chẽ triển khai các thỏa thuận đã đạt được; chuẩn bị tốt việc tổ chức Kỳ họp thứ 6 Ủy ban liên Chính phủ vào năm 2025; đẩy mạnh hợp tác năng lượng, dầu khí; tăng cường hợp tác trong phát triển ngành thực phẩm Halal, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal, nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến... của Việt Nam sang UAE và khu vực Trung Đông; UAE hỗ trợ xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích đầu tư của UAE vào các lĩnh vực khác.

Nhất trí cao với các ý kiến nhằm thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập, Quốc vụ khanh thông tin tới Thủ tướng Phạm Minh Chính về tiến trình đàm phán CEPA; cho biết các bộ, cơ quan phía UAE đang rất tích cực cùng các cơ quan của Việt Nam triển khai quy trình pháp lý để sớm hoàn tất đàm phán, ký kết hiệp định này.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) là một hiệp định được lãnh đạo chính phủ hai nước rất quan tâm. Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong quá trình đàm phán để sớm tiến tới kết thúc đàm phán, cùng với đó là nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm). Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%.

Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất.