Ninh Thuận có nhiều lợi thế về du lịch khi sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình. Những nơi này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN. Trong đó, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa được xem là mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam, Đông Nam Á và là địa điểm thu hút nhiều du khách đến khám phá.

Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm, Raglai sinh sống với nhiều lễ hội, phong tục, ẩm thực đặc sắc để lại cho ngày nay các đền tháp Chăm tuyệt đẹp, các làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp với lịch sử hàng trăm năm.

W-anhmynghiep.png
Dệt thổ cẩm ở làng nghề Mỹ Nghiệp

Sở hữu khí hậu nhiệt đới xavan, được coi là vùng sa thảo độc nhất tại Đông Nam Á, Ninh Thuận được ví như “tiểu sa mạc của Việt Nam”. Chính sự khắc nghiệt đó lại mang đến những giá trị đặc trưng của Ninh Thuận- trở thành xứ sở của nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cây nha đam, dê và cừu... Với lợi thế này, tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái),...

Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh Ninh Thuận đạt 2.900.000 lượt khách (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt 40.000 lượt khách (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đón trên 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 100 ngàn lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch 2,5 nghìn tỉ đồng. Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng phát triển mạnh.

Nghị quyết 04 Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra, đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh.

Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

Để đạt được các kế hoạch đã đặt ra, tỉnh tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách dù phù hợp để thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo sự đột phá về phát triển hệ thống cơ sơ vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

Đồng thời chú trong jban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các điểm, khu du lịch có tiềm năng thu hút khách du lịch; phát triển du lịch làng nghề, nhất là các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gồm Bàu Trúc…

Nhóm PV