Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với nhóm này với lãi suất hấp dẫn. Chương trình áp dụng đối với khách hàng SME (không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn – bán lẻ) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Chương trình áp dụng đối với các khoản giải ngân ngắn hạn bằng VND. Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà còn được tư vấn sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ,…nhằm đồng bộ giải pháp tài chính, tối ưu các hoạt động thanh toán và giảm chi phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

VietinBank đã liên tục giảm lãi suất cho vay ưu đãi để doanh nghiệp SME kịp thời tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ tháng 9/2023, doanh nghiệp SME được vay ưu đãi tại VietinBank với lãi suất chỉ từ 6,3%/năm. Quy mô gói ưu đãi lên đến 15.000 tỷ đồng.

ngan hang.jpg
Doanh nghiệp nhẹ gánh khi lãi suất giảm.

Đây là một chính sách nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp SME trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều thách thức, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trước đó, tháng 7/2023, VietinBank cũng đã thực hiện một đợt giảm lãi suất cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp SME. VietinBank hiện đang là một trong những ngân hàng tiên phong cung cấp giải pháp tài chính trọn gói theo từng bước phát triển của doanh nghiệp SME, từ khi bắt đầu giao dịch với ngân hàng cho đến khi mở rộng quy mô và trở thành khách hàng thân thiết tại VietinBank.

Trong khi đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố mức lãi suất ưu đãi cho vay ngắn hạn chỉ từ 1,2%/năm, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có cơ hội vay vốn.

Theo đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐTV về việc công bố mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với lãi suất chỉ từ 1,2-4,4%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất vay vốn thông thường ở các ngân hàng dao động từ 7-10%/năm. Quyết định nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Theo đại diện Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, mức lãi suất ưu đãi trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Hiện tại, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với các ngân hàng BIDV, MBBank, SHB, Sacombank, Bắc Á Bank, HDBank và tiếp tục mở rộng thêm với một số ngân hàng thương mại khác.

Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ tác động từ việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm và Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

VnDirect dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm thêm từ 100-150 điểm cơ bản trong năm nay. Lãi suất giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh.

Có thể thấy, việc giảm lãi suất cần nỗ lực không chỉ của ngân hàng, mà còn cần nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, người vay vốn. Doanh nghiệp cần tìm kiếm các hướng đi mới, tăng hiệu quả kinh doanh, để đảm bảo khả năng trả nợ mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Trong khi ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chia sẻ, cùng người vay vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước đó, trong tháng 7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu room tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Như vậy, hiện nay toàn hệ thống còn gần 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

NHNN cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV