Nhằm đa dạng hóa sinh kế cho người dân, đặc biệt bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ số được chú trọng đẩy mạnh, coi đây là bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại xã Vi Hương - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nhờ ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Xã Vi Hương có 9 thôn, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Giữa năm 2020, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với 7 xã khác trong cả nước, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ xã Vi Hương thí điểm chuyển đổi số trên lĩnh vực nâng cao chất lượng đội ngũ, tái cấu trúc các hệ thống quản lý điều hành; triển khai truyền thanh thông minh; triển khai các dịch vụ giáo dục, y tế; phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử.
Mục tiêu của chương trình là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Tại tỉnh Bắc Giang, trong Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025”, địa phương đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...).
Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tương tự, tại nhiều tỉnh thành khác, hầu hết mô hình chuyển đổi số ở các vùng đồng bào dân tộc và miền núi thời gian qua đã đem lại kết quả khả quan. Có thể thấy, chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững.