Để giảm nghèo bền vững, không thể không thúc đẩy việc ứng dựng KH&CN, chuyển đổi số... Tuy nhiên những khó khăn, thách thức đặt ra là cần phải triển khai thế nào cho phù hợp với những người thụ hưởng sống ở vùng sâu vùng xa.

Theo ông Ngô Trường Thi, nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong giảm nghèo là xu thế, các nước khác họ làm lâu rồi. Ông Thi quả quyết, sang Nam Phi hay Brazil ông thấy họ, từ 20 năm trước, họ đã áp dụng việc hỗ trợ người nghèo bằng thẻ, mức hỗ trợ là 100 USD chẳng hạn, người nghèo có thẻ ra mua hàng phục vụ 3 nhu cầu: lương thực, giáo dục và y tế. 

Theo ông Thi, đối với đồng bào DTTS&MN việc áp dụng như vậy rất khó khăn nhưng không phải không làm được. Để làm được phải có sự quyết tâm chính trị của địa phương nữa, lãnh đạo tỉnh mà quyết tâm, sản phẩm sẽ đến với thị trường nhanh hơn.

Ví dụ Bắc Kạn đã đưa được sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, điển hình là sàn Vỏ sò.  Các tổ nhóm đã có app giới thiệu sản phẩm, ngồi một chỗ vẫn bán được sản phẩm. Phương tiện vận chuyển hàng hóa hiện nay cũng rất thuận tiện, ngay cả đặt sản phẩm từ những vùng như Ba Bể họ cũng chuyển đến cho mình được. Đấy là những yếu tổ thể hiện rõ về việc ứng dụng kỹ thuật số. 

Ngoài ra, khi còn đương nhiệm, nhóm ông Thi cũng đã triển khai thí điểm rà soát hộ nghèo bằng smartphone, người dân không cần phải khai trên giấy. "Tôi nghĩ đây là việc làm rất cần thiết. Tôi được biết Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ smartphone cho người nghèo, đó là cơ hội rất tốt để họ vươn lên tiếp cận kỹ thuật số, vươn lên thoát nghèo", ông Thi quả quyết. 

Theo ông Thi, câu chuyện xác định đối tượng thông qua phần mềm, qua điện thoại, đã được dự kiến, xây dựng từ trước khi ông nghỉ chế độ. "Chúng tôi cùng UNDP tiến hành năm 2019 nhưng rất tiếc, khi tôi nghỉ hưu vẫn chưa đưa vào áp dụng được", ông Thi lấy làm tiếc. 

Trước đây, Tổng cục thống kê điều tra mức sống và lao động việc làm phải mất hàng năm chưa có kết quả nhưng chỉ sau chưa đến 3 tháng ứng dụng phần mềm đã có kết quả.

Ông Thi tin rằng, "nếu chúng ta sử dụng phần mềm vào rà soát hộ nghèo, chậm nhất là 10 ngày đã có kết quả, để xác định đối tượng hộ nghèo. Như vậy, ta có cả một cơ sở dữ liệu để khai thác, không phải chờ nhập dữ liệu từ phiếu giấy, đợi cán bộ xử lý đúng/sai… Người nghèo chỉ đưa thông tin đầu vào, còn đầu ra là phần mềm xử lý. 

Đối với đồng bào DTTS, tôi khẳng định ai dùng được smartphone đều làm được hết, các phần mềm khác phức tạp hơn còn làm được. Quan trọng chúng ta có quyết tâm hay không? Nhiều khi không phải người dân không muốn làm, họ sẵn sàng làm, nhưng chính cán bộ cơ sở ngại vì không muốn, vì khó khăn… Vì vậy, phải đả thông tư tưởng cho cán bộ. 

Nếu triển khai được phần mềm rà soát hộ nghèo, có người hướng dẫn, giám sát, có công cụ để kiểm tra đúng sai…, chúng ta sẽ hạn chế được phản ảnh số liệu nghèo không chính xác ở địa phương. 

Khi rà soát qua app, không ai tác động, điều chỉnh được, trừ một số người được phân quyền, có tên tuổi rõ ràng trên hệ thống. Như vậy sẽ đảm bảo được sự công khai, minh bạch và tính kịp thời trong điều hành quản lý", ông Thi cho biết. 

Quan sát của ông Hoàng Xuân Lương cho thấy, những năm qua, vai trò của khoa học công nghệ đối với vùng DTTS rất lớn. Rõ nhất là công nghệ sinh học đã phát huy tác dụng nhanh chóng vào vùng DTTS, giúp giá trị của cây, con tăng lên rất nhiều. 

W-mohinh.png
Mô hình nuôi bò ứng dụng khoa học và công nghệ ở Quảng Ngãi phát huy hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

Như giống cam truyền thống của đồng bào DTTS, 1 ha chỉ thu nhập được 10 - 20 triệu/năm. Tuy nhiên, khi ứng dụng các công nghệ sinh học, 1 ha cam ở Bắc Kạn, Hà Giang thu được hàng trăm triệu/năm, thậm chí có những nơi thu được 300 triệu. 

Nhu cầu, nguyện vọng của người dân được ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế là rất lớn. Vấn đề là chúng ta có nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN cho người dân hay không.

"Về vấn đề chuyển đổi số, ở tầm quốc gia, chúng ta phải làm thế nào xây dựng được những bộ cơ sở dữ liệu để quản lý chương trình. Chẳng hạn, làm thế nào để ngồi tại Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo ở Hà Nội, chỉ cần thao tác trên máy là có thể nắm được xã nào, huyện nào… có bao nhiêu hộ nghèo, mức độ nghèo… tất cả thông tin tập trung một chỗ. Hiện chúng ta chưa xây dựng được bộ dữ liệu đó", ông Lương góp bàn. 

Bộ TTTT đang có chủ trương mở rộng và cấp smartphone cho vùng DTTS, cho người nghèo. Mở rộng được việc sử dụng smartphone, tăng cường các điểm tiếp sóng ở vùng DTTS, sẽ giúp cho người dân ngồi tại chỗ cũng có thể sử dụng được các app về hàng hóa, về nhu cầu tiêu thụ, đầu ra, cũng như hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày của họ.

"Khi chúng ta làm tốt được việc này sẽ góp phần làm cho nhận thức, năng lực của người DTTS được nâng lên", ông Lương khẳng định. 

Ông Ngô Trường Thi: Muốn người nghèo tiếp cận được công nghệ số, cán bộ giảm nghèo phải tiếp cận trước, để hướng dẫn người nghèo. Nhiều năm qua, chúng tôi đã chủ trương phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong công việc như hòm thư điện tử, mạng xã hội, trang web về giảm nghèo… để điều hành.

Trong công tác quản lý, tôi nghĩ người quản lý không nhất thiết giỏi công nghệ thông tin nhưng phải biết đặt hàng cho người làm công nghệ để họ thực hiện: cái gì cần thiết, mong muốn ra sao, quản lý ra sao... Quan trọng là phải có ý kiến và tiếp thu những đóng góp, trao đổi để phần mềm đó hiệu quả, chạy tốt, có thử nghiệm để lấy ý kiến thực tiễn, sau đó mới chuyển giao, tập huấn, áp dụng trong quản lý.

Việc ứng dụng công nghệ số trong giảm nghèo nói riêng và trong lĩnh vực khác của đất nước nói chung cực kỳ cần thiết. Ví dụ, nếu phần mềm rà soát hộ nghèo được ứng dụng từ sớm thì trong đại dịch Covid-19, chúng ta không phải vất vả trong việc rà soát, xác định đối tượng cần hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch. 

Nhóm PV