Theo số liệu của hồ sơ Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, giai đoạn 2017 - 2023, Việt Nam có gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương hơn 100.000 người/năm.

Bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, cùng với các chính sách khuyến khích du lịch và mở rộng hợp tác với các đối tác, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, 475.198 lao động nước ngoài được cấp phép. Sự có mặt của lao động nước ngoài đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

W-laodong.png
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép hoặc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để đi nước thứ ba, hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn và trật tự xã hội. 

“Do đó, việc định kỳ đánh giá các dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam là rất cần thiết, giúp nhận diện kịp thời các vấn đề chính sách dựa trên bằng chứng để từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư theo kịp với yêu cầu thực tiễn”, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tình trạng “chảy máu chất xám” và các thách thức mới đặt ra do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bắt đầu thay thế nguồn nhân lực tay nghề thấp cũng là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Ước tính 70 - 80% du học sinh tự túc không về nước sau khi học xong mà ở lại nước ngoài làm việc với thu nhập cùng chế độ đãi ngộ tốt hơn.

ASEAN bảo vệ lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng

Trước vấn đề di cư trong khu vực ASEAN, năm ngoái, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về bảo vệ lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ lao động di cư trong các lĩnh vực nghề nghiệp ở tất cả các giai đoạn chuẩn bị, ứng phó và phục hồi để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ và gia đình trong các tình huống khủng hoảng.

 Các nước ASEAN nhất trí lồng ghép công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng vào các chính sách, chương trình và cơ chế của quốc gia phái cử; tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin và các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời.

Các lãnh đạo cam kết tạo điều kiện cho lao động di cư gặp khủng hoảng được đảm bảo an toàn bền vững, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, bảo trợ xã hội, hỗ trợ sinh kế trong thời gian nghỉ phép, ốm đau hoặc thương tật, cũng như hồi hương và tái hòa nhập với quốc gia xuất xứ.

 Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường phối hợp song phương và đa phương xuyên biên giới giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan nhằm hỗ trợ và bảo vệ lao động di cư và gia đình của họ trong các tình huống khủng hoảng, cũng như bảo vệ họ để không trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác trong việc hỗ trợ lao động di cư của các quốc gia thành viên ASEAN đang gặp phải các tình huống khủng hoảng bên ngoài khu vực trong trường hợp cần thiết, dựa trên năng lực và nguồn lực của các Đại sứ quán và Văn phòng lãnh sự của các nước có liên quan.

Cuối cùng, lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác và đối tác toàn xã hội, toàn chính phủ giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài của ASEAN, các tổ chức quốc tế có liên quan nhằm bảo vệ tốt hơn lao động di cư và gia đình họ trong các tình huống khủng hoảng.