Sau khi ra mắt sản phẩm mới hồi đầu năm 2019, Tổng giám đốc của hãng xe điện P. khẳng định mẫu xe mới chỉ tốn 2.550 đồng cho 90 km, tiết kiệm chi phí sử dụng gấp 33 lần so với xe tay ga sử dụng động cơ xăng. Liệu đây là sự thật hay chỉ là lời quảng cáo?
Chiếc xe điện của hãng P. giống hệt với Aima Tiger X6 có xuất xứ Trung Quốc. Ảnh: Toàn Thiện. |
Chi phí lớn ở pin và ắc-quy
Mẫu xe của hãng nói trên sử dụng ắc-quy chì 72V-20Ah, công suất mô-tơ điện 3 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 60 km/h, tầm hoạt động được giới thiệu là 90 km.
Người sử dụng thường xuyên phàn nàn về tuổi thọ và chất lượng của bình ắc-quy và pin điện, các mẫu xe điện xuất hiện tại Việt Nam hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mẫu xe mới của hãng P. cũng có kiểu dáng y hệt một chiếc xe điện Aima Tiger X6 có xuất xứ Trung Quốc.
Theo anh Sơn Nguyễn (Hà Nội) - người có nhiều năm buôn xe điện, đối với xe điện chạy ắc-quy, thời gian ắc-quy cần thay thế là khoảng 2 năm sử dụng, tương đương với 350-500 lần sạc.
Thực tế sử dụng xe điện, ắc-quy yếu sau khoảng 1 năm sử dụng, mất đi khoảng 60-80% năng lượng khi sạc đầy. Ảnh: Toàn Thiện. |
Thực tế sử dụng, ắc-quy trên xe điện thường yếu sau khoảng 1 năm sử dụng, mất đi khoảng 60-80% năng lượng khi sạc đầy. Chị Thu Trang (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, sau hơn 1 năm sử dụng xe máy điện, chiếc xe của chị chỉ chạy được khoảng 25 km là đã hết điện, khác xa so với quảng cáo ban đầu là 70 km mới cần sạc điện.
Anh Sơn cho biết thêm, giá cho bình ắc-quy là khoảng 1,5 triệu đối với bộ bình 48V-12Ah, 2 triệu với bộ bình 48V-20Ah và 2,5 triệu đối với bộ bình 60V-20Ah và 3 triệu đồng với bộ bình 72V-20Ah. Đây là mức giá với điều kiện mang bình ắc-quy cũ tới đổi bình mới.
Như vậy, người sử dụng xe điện sẽ phải tốn khoảng 2-3 triệu ''đều đặn'' mỗi năm cho bình ắc-quy chì. Trong khi đó, bình ắc-quy trên xe tay ga chạy xăng có giá từ 300.000-500.000 đồng và có thể sử dụng đến 3 năm trong điều kiện bình thường.
Đối với một số xe điện sử dụng pin, pin lithium-ion cũng sẽ chai và khiến quãng đường di chuyển khi sạc đầy giảm đáng kể sau 1-2 năm sử dụng, tùy vào cách sạc pin và vận hành xe. Chi phí thay pin lithium-ion cho xe điện là 10-15 triệu đồng tùy loại. Với một chiếc xe điện thông thường, hệ thống pin lithium-ion chiếm phân nửa giá trị chiếc xe.
Đối với xe máy tay ga nói chung, ngoài chi phí nhiên liệu, chiếc xe hầu như chỉ cần thay dầu nhớt định kỳ và bảo dưỡng đơn giản là có thể hoạt động hoàn hảo như mới, và sẽ giữ nguyên phong độ ấy trong 3-4 năm đầu sử dụng.
Xe điện cũ mất giá trầm trọng
Với tần suất thay ắc-quy ''chóng mặt'' như vậy, nhiều người sử dụng xe điện thường ngừng sử dụng sau 3-4 năm, các bộ phận trên xe cũng xuống cấp nặng nề. Sau quãng thời gian đó, hầu như chiếc xe không còn giá trị để bán lại hoặc nếu bán lại được, chiếc xe cũng mất giá rất nhiều, chỉ còn 20% giá trị ban đầu.
Xe điện của hãng P. mất giá khoảng 50% sau gần 1 năm sử dụng. |
Một chiếc xe điện có giá mua mới là 25 triệu, sau 4 năm sử dụng chỉ có thể bán ra với giá khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, một chiếc Honda Air Blade đời 2015 có giá khoảng 30 triệu, còn 80% so với giá trị ban đầu (38 triệu đồng).
Ngay cả khi xe điện không bị hư hỏng gì, sau 1 năm sử dụng cũng mất giá mạnh, còn khoảng 45% giá trị ban đầu. Theo tìm hiểu, một chiếc xe máy điện DK Romas 2 với kiểu dáng giống Vespa có giá bán lẻ là 14,5 triệu, sau một năm sử dụng, giá xe cũ chỉ còn 6,5 triệu. Chiếc Honda Air Blade đời 2017 có giá trên thị trường xe cũ khoảng 35 triệu, còn 90% so với giá trị ban đầu.
Như vậy, chi phí sử dụng của xe điện về cơ bản không như quảng cáo của hãng xe nói trên, do chi phí thay thế bộ phận ắc-quy và pin năng lượng, giá trị bán lại của xe điện chênh lệch lớn so với một chiếc xe máy thông thường. Rõ ràng nếu mua xe theo những lời giới thiệu của hãng xe điện, nhiều khách hàng sẽ phải đón nhận "trái đắng" sau một thời gian sử dụng.