- Lê Minh Châu – họa sĩ khuyết tật sinh năm 1991 – vừa đăng trên Facebook cá nhân bức ảnh có tên bộ phim Việt Nam khắc trên Đại lộ Danh vọng (Mỹ). Đây là bộ phim tài liệu "Chau, Beyond The Lines" kể về Châu, nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều người.
>> Tài vẽ tranh bằng miệng của họa sĩ 9x khuyết tật tay chân
Lê Minh Châu đăng ảnh trên Facebook khiến dư luận xôn xao. Ảnh: Facebook nhân vật |
Bức ảnh Lê Minh Châu quỳ gối bên ngôi sao, phía trước có dòng chữ "Chau Beyond The Lines" đăng tải trên trang Facebook cá nhân của anh vào ngày 9/11 đang khiến dư luận quan tâm trước thông tin: Đây là người Việt Nam đầu tiên được khắc tên trên Đại lộ Danh vọng.
VietNamNet đã liên hệ với Lê Minh Châu để xác minh thông tin, tuy nhiên chưa nhận được hồi âm. Thông tin mới nhất mà Châu đưa ra là câu hỏi "Chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam? Bạn bè cập nhật giúp".
Theo giải thích của nhiều người đã từng đến Đại lộ Danh vọng, ở đây có dịch vụ "ngôi sao mang tên mình". Theo đó, ngôi sao ghi tên du khách đặt lên viên gạch còn trống và ghép tên mình vào. Nhiều người tới đây khá hào hứng với dịch vụ này và thường chụp lại hình ảnh làm kỷ niệm.
Đại lộ Danh vọng là một lề đường dọc đại lộ Hollywood và phố Vine ở Hollywood, California, Mỹ. Nơi đây nổi tiếng với việc khắc tên các nhân vật nổi tiếng bên trong một ngôi sao năm cánh để ghi nhận những đóng góp của họ trong ngành công nghiệp giải trí.
Là một người khuyết tật đầy nghị lực của Việt Nam, Lê Minh Châu khá quen mặt trên các phương tiện truyền thông.
Lê Minh Châu. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Đặc biệt, Châu là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu mang tên “Chau, Beyond The Lines” được thực hiện bởi nữ đạo diễn – biên tập – nhà sản xuất Courtney Marsh. Bộ phim kể về cuộc đời của chàng trai khuyết tật, giàu nghị lực sống, được thực hiện trong vòng 8 năm và lọt vào top 10 đề cử “Giải Oscar cho phim tài liệu ngắn hay nhất” năm 2016.
Tay chân bị dị dạng vì chất độc da cam, nhưng ước mơ trở thành họa sĩ nhẹn nhóm trong cậu bé khuyết tật từ khi còn nhỏ. Cậu từng bị nhiều người nhạo báng vì ước mơ dường như xa xỉ với một người khuyết tật như cậu.
Lê Minh Châu là một họa sĩ khuyết tật vẽ tranh bằng miệng |
Sinh ra ở Đồng Nai, 6 tháng tuổi, Châu đã vào sống ở làng trẻ Hòa Bình – nơi cưu mang những đứa trẻ bị chất độc da cam.
Năm 17 tuổi, cậu dọn ra ngoài sống tự lập. Ban đầu, Châu xin làm một số công việc như đánh máy để kiếm sống qua ngày. Trong thời gian đó, cậu cũng vẽ tranh để bán, vẫn đi học và xin làm những công việc khác.
Vẽ tranh bằng miệng, có những lúc cậu bị rách cả quai hàm. Nhưng không bỏ cuộc ở đó, Châu tiếp tục luyện tập với cây cọ cho đến khi tự tay vẽ lên những bức tranh hoàn chỉnh.
Clip: Xem Lê Minh Châu vẽ trong một chương trình của VietNamNet
Dần dần, cậu mở được cho riêng mình một phòng tranh, mở lớp dạy vẽ. Ngoài ra, Châu thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật.
Châu di chuyển hoàn toàn bằng đầu gối, khiến đầu gối bị tróc da, chai sạn, đen sì. Nhưng mỗi lần chuyển nhà, cậu đều tìm chỗ ở trên tầng cao để cho thoáng, yên tĩnh và có tầm nhìn mới vẽ được.
Nhiều lần được tặng xe lăn nhưng Châu từ chối. Cậu nói mình có thể tự đi được bất cứ đâu. Di chuyển bằng đầu gối, nhưng tốc độ đi của cậu có thể khiến bất cứ ai ngạc nhiên và nể phục.
Lê Minh Châu trong phim "Tôi là Châu" |
Khi được hỏi “tại sao lại chọn vẽ tranh mà không chép tranh vừa dễ vừa có thu nhập cao hơn”, Châu nói vì cậu thích sáng tạo và không muốn bị ảnh hưởng bởi các họa sĩ khác, những bức tranh khác.
Không qua một lớp học vẽ chính quy nào, nhưng bằng đam mê và nghị lực phi thường, Châu dần khẳng định được tài năng sáng tạo bẩm sinh. Cậu thường xuyên thức đêm để vẽ. Dần dần, người tìm mua tranh của Châu không phải vì thương hại, mà vì yêu thích.
Châu từng đạt giải nhiều cuộc thi về hội họa, đồng thời từng tổ chức những triển lãm tranh cá nhân ở Hà Nội và TP.HCM để lại dấu ấn trong giới. Trong đó, có một triển lãm về hội họa đương đại kết hợp với trình diễn body painting – nghệ thuật vẽ trên cơ thể người.
Lê Minh Châu trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Phim "Tôi là Châu" |
Cuối tháng 6/2016, Châu là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được mời tham gia kỳ họp thứ 9 “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York. Tại hội nghị này, bộ phim “Chau, Beyond The Lines” đã được trình chiếu trước khán giả gây xúc động mạnh. Cũng tại đây, Châu có buổi triển lãm cá nhân, bán đấu giá thành công toàn bộ 11 bức tranh của anh.
Năm 2016, Châu chia sẻ vừa nhận được học bổng 5 năm ngành Mỹ thuật của một trường đại học ở New York, Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm đó, cậu nói rằng muốn dành thời gian để học ngoại ngữ.
Hoàng Trí
"Đừng bỏ lại người khuyết tật phía sau"
Nhiều ý kiến cho rằng, luật giáo dục cần tăng cường tiếp cận nhóm người thiệt thòi, đặc biệt là những người khuyết tật và những người thuộc giới tính khác.
Nam sinh khuyết tật nhận suất học bổng toàn phần đại học Mỹ
Mất một con mắt từ năm 3 tuổi, Lê Bá Ninh nói, “em tự thấy bản thân mình là một người may mắn vì vẫn có thể nhìn được và quan trọng nhất là được học hành đến nơi đến chốn”.
30 điểm và nỗi buồn của cậu học trò khuyết tật
Gia cảnh khó khăn, khi biết con trai mình đạt số điểm tuyệt đối 30/30 khối B, anh Lê Hữu Hưng và chị Lưu Thị Châu (Yên Định, Thanh Hóa) vừa mừng lại vừa lo.
Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Bằng những kiến thức được học và sự năng động vốn có của mình, chàng trai 26 tuổi phát triển Vườn ươm Việt trở thành một địa chỉ tin cậy của các nhà vườn.