Bấy lâu nay, nhiều người đã lăng xê quá mức khả năng nói chuyện được với linh hồn người chết của một số nhà ngoại cảm mà thiếu hẳn sự kiểm chứng cần thiết cũng như những thông tin theo chiều ngược lại. Xin kể ra mấy câu chuyện để thấy rằng trong nhiều trường hợp, khả năng nói chuyện với người chết chỉ là trò bịp của một số nhà ngoại cảm.
 
TIN BÀI KHÁC

Chuyện đôi dép cao su
 
Chính người viết bài này đã đi tìm hài cốt của em trai, một liệt sỹ vào Nam chiến đấu. Trong hành trình tìm mộ ấy, tôi từng được cô đồng P nổi tiếng ở Hàm Rồng (Thanh Hóa) mượn danh linh hồn người chết chỉ ngôi mộ liệt sỹ vô danh số 6, cánh ngôi sao thứ 12, ở Nghĩa trang liệt sỹ Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) là mộ em tôi, kèm theo một câu chuyện về quá trình chiến đấu, hy sinh hết sức cảm động.
 
Tín chủ chờ đến lượt gọi hồn tại biệt điện của cô đồng P ở Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Quả đúng là ở Nghĩa trang liệt sỹ Dương Minh Châu có một ngôi mộ với những đặc điểm như cô P chỉ bảo, nhưng làm sao tôi có thể nhận đây là mộ em trai mình khi mà tìm những nhân vật còn sống trong câu chuỵện qua miệng cô đồng P thì chẳng thấy một ai? Hơn thế nữa, khi tìm thấy hồ sơ liệt sỹ ở Phòng Chính sách - Quân khu 7, tôi mới biết rằng em tôi không hy sinh ở Tây Ninh mà đã ngã xuống ở tận... Bình Phước.
 
Thất vọng với cô đồng P, tôi lại cầm ảnh liệt sỹ đến nhờ nhà ngoại cảm B.H tìm mộ giúp. Sau khi tôi cung cấp rõ trận đánh và nơi em tôi hy sinh cho B.H, ít ngày sau, cô cho biết đã gặp được liệt sỹ và cho biết mộ đã được quy tập vào Nghĩa trang liệt sỹ huyện Bù Đăng. Theo chỉ dẫn của B.H, ngôi mộ tôi đang tìm là mộ vô danh thứ nhất, ở hàng thứ hai... Ngoài ra, B.H bảo ngôi mộ này được đưa từ nơi em tôi hy sinh về, khi cải táng lần đầu, trong mộ có cả đôi dép cao su...
 
Tôi nói lại thông tin này cho các cựu chiến binh của đơn vị em tôi nghe. Họ phủ nhận ngay vì trận tiềm nhập đánh nở hoa trong lòng địch đêm đó, các chiến sỹ đặc công đều mình trần, chân đất chứ đâu có đi giày dép.
 
Sau này, tôi tìm được mộ em trai tôi vẫn nằm trong vườn nhà dân chưa được quy tập...
 
Cô đồng... bịp
 
Trở lại với cô P ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), còn nhớ chỉ mới tháng 8/2009, “năng lực gọi hồn không cần biết tên tín chủ” của cô đã bị phóng viên một tờ báo của Hà Nội phơi bày một cách đầy hài hước. Theo đó, cô đồng trứ danh cả nước “tài giỏi” đến mức đã gọi được một vong hồn... không có thật về trần gian tâm sự với phóng viên này.
 
Trò chuyện với chúng tôi, anh phóng viên kể lại rằng chính điện của cô đồng P nằm ở khu chân cầu Hàm Long, thuộc địa phận thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá (còn nơi cô P ở thuộc phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, cách điện thờ 1 cây cầu).
 
10h ngày 17/8/2009, khi phóng viên có mặt tại khu điện thờ cũng là lúc cô P bắt đầu việc gọi hồn cho những khách phương xa đang mòn mỏi mong được gặp vong nhà mình. Chờ mãi không đến lượt mình nên trưa cùng ngày, phóng viên đã dùng cơm tại Nhà hàng A.N (nhà hàng này án ngữ trước gian điện thờ của cô P).
 
Tại đây, phóng viên được nhân viên mách nước phải thuê phòng, ăn ngủ lại rồi “bồi dưỡng” cho bà chủ nhà hàng (cũng là chị gái cô P) thì mới sớm được cô P gọi hồn cho. Sau bữa tối, phóng viên đã “tỉ tê” với chủ nhà hàng rồi đưa cho bà ta 50.000 đồng kèm tờ giấy ghi tên phóng viên và họ tên của “vong” cần gọi là một cô người yêu cũ đã mất (không có thật).
 
Hành động “hối lộ” và cung cấp thông tin cho “chân gỗ” của của cô P nhanh chóng phát huy tác dụng. Ngay sáng hôm sau, cô P đã gọi phóng viên vào gặp vong hồn không có thật này và nhờ có vong hồn bịa đặt đó, phóng viên đã được tâm sự những lời yêu đương, nhớ nhung nam nữ với... cô đồng P.
 
Thay lời kết
 
Mong muốn tìm được mộ người thân là khát khao cháy bỏng của tất cả các gia đình ở Việt Nam. Tôi đã chứng kiến những chuyện hết sức xúc động: Có những người phụ nữ khi chồng hy sinh còn son trẻ, suốt cuộc đời còn lại vẫn ở vậy thờ chồng. Năm tháng lao động cực nhọc chắt bóp gom góp từng đồng để có tiền đi tìm hài cốt chồng.
 
Đi tìm gặp đồng đội cũ của chồng còn sống trở về, tìm đến các cơ quan hữu quan để hỏi những thông tin về chồng, tìm tới nơi chồng hy sinh, tìm đến các nhà ngoại cảm và đi tìm mộ theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm...
 
Hết tiền lại về nhà lao động tích cóp lại, có tiền lại đi tìm mộ chồng, thời gian cứ trôi qua đến nay bà đã hơn 70 tuổi mà chưa tìm được mộ chồng, nhưng bà vẫn không từ bỏ ý định. Có những bà mẹ liệt sỹ khi nhắm mắt vẫn chưa yên lòng vì chưa tìm thấy hài cốt của con trai và trăn trối cho con cháu phải tìm cho được hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Lại có bà mẹ liệt sỹ gần 90 tuổi, đi lại phải chống gậy, từ Hà Tĩnh theo con ra Hà Nội tìm đến nhà ngoại cảm nhờ tìm hài cốt con trai...
 
Trước mong muốn cháy bỏng ấy, các nhà ngoại cảm đừng vì vụ lợi, háo danh mà quên lương tâm và đạo đức. Những trường hợp không có hoặc không còn khả năng tìm được mộ thì cứ nói thẳng với thân nhân liệt sỹ, không được nói bừa làm tốn công, tốn của, tốn thời gian, làm khổ những gia đình liệt sỹ vốn đã chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Những trò bịp bợm sớm muộn cũng bị bóc trần và bị dư luận xã hội lên án.
 
Đối với thân nhân liệt sỹ, xin hãy tỉnh táo khi nhờ các nhà ngoại cảm, nhất là khi họ chỉ vào những ngôi mộ không tên, đừng để tình cảm lấn át lý trí. Cơ sở để kiểm chứng những thông tin mà nhà ngoại cảm đưa ra là: Hồ sơ liệt sỹ được lưu giũ tại các phòng chính sách các quân khu, quân đoàn, thông tin từ những nhân chứng sống - đặc biệt là từ những đồng đội của liệt sỹ. Ngoài ra, thời gian các liệt sỹ hy sinh đã trên dưới 40 năm, hài cốt liệt sỹ phần lớn đã hóa thổ hoặc còn rất ít, hiểu rõ điều đó, thân nhân liệt sỹ cần cân nhắc xem có nên tiếp tục tìm không.
 
Cũng vì tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ là một công việc rất thiêng liêng nên chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần có biện pháp ngăn chặn hoạt động của các nhà ngoại cảm rởm, những kẻ lợi dụng năng lực ngoại cảm để hành nghề mê tín dị đoan, trục danh, trục lợi; xử lý nghiêm việc phát hành những băng đĩa về ngoại cảm bất hợp pháp, truyền bá mê tín dị đoan.
 
(Theo Pháp luật Việt Nam)