Từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã xử phạt 45 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) vi phạm với số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Sai phạm chủ yếu vẫn là những hành vi quảng cáo không đúng thực chất, công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng. Câu chuyện quản lý vẫn là bài toán “đau đầu” của cơ quan chức năng.
Lực lượng quản lý thị trường số 4 kiểm tra thu giữ thực phẩm chức năng giả trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh |
Quá nhiều vi phạm
Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, thị trường TPCN của nước ta hiện nay có hơn 20.000 sản phẩm, kể cả nhập khẩu, trong đó 60% là sản xuất trong nước. Thị trường vô cùng phong phú phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh xương khớp, đau dạ dày, gan mật, ung thư, làm đẹp… Trong số các sản phẩm TPCN vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh, nhất là các TPCN có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc.
Bên cạnh đó, một vấn nạn nhức nhối khác, đó là việc quảng cáo quá lời, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Như khi dịch Covid-19 hoành hành, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo nhiều loại TPCN có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị đã “mượn” hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm.
Trên website chính thức của Viện Dinh dưỡng quốc gia từng đưa ra cảnh báo về hiện tượng mạo danh tên Viện, sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ của Viện để bán sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ qua mạng xã hội Facebook. Nhiều bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Viện Nhi T.Ư cũng phải lên tiếng vì tình trạng “mạo danh” để quảng cáo TPCN.
TS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khẳng định, Viện không có bất cứ trang Facebook hay Fanpage nào quảng cáo hay bán các sản phẩm dinh dưỡng. Các bác sĩ của Viện không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán sản phẩm dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, rất nhiều quảng cáo TPCN có nội dung “lập lờ đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm. Không ít người vì tin lời quảng cáo nên đã bỏ nhiều tiền ra mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quy trình điều trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Đề cập đến thực trạng quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Chẳng hạn, với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít nhất cũng kéo dài cuộc sống. Vì tin vào quảng cáo TPCN có thể chữa được bách bệnh nên người bệnh mua về dùng thay vì phải đến bệnh viện. Thế nhưng, khi họ dùng TPCN không khỏi, quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.
Trong khi đó, hiện nay, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo TPCN thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt chưa đủ sức răn đe cùng với biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo.
Vấn nạn hàng giả
Mới đây, Cục ATTP cảnh báo phát hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là Viên Đa Xoang và Dưỡng Sắc Khang giả mạo trên thị trường. Đồng thời, Cục đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan công an để điều tra hành vi có dấu hiệu hình sự. Theo Cục ATTP, đơn vị này nhận được phản ánh của tổ chức, cá nhân về việc phát hiện hàng giả 2 sản phẩm trên ở nhiều kênh khác nhau. Sau khi tiến hành xác minh vi phạm, Cục ATTP chuyển hồ sơ đến Cơ quan công an để điều tra hành vi có dấu hiệu hình sự; chỉ đạo 63 tỉnh, TP kiểm tra giám sát việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Đa Xoan, Dưỡng Sắc Khang trên địa bàn.
Liên quan đến việc làm hàng giả, trước đó, Cục ATTP cũng nhận được công văn của Bệnh viện T.Ư Huế về việc giả danh để sản xuất và bán sản phẩm có tên là Thuốc bác Bắc của Tổng công ty Dược Bệnh viện T.Ư Huế. Qua rà soát hệ thống dữ liệu đăng ký bản công bố sản phẩm, Cục ATTP xác định Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm không cấp cho sản phẩm có tên Thuốc bác Bắc của Tổng công ty dược Bệnh viện T.Ư Huế. Vì thế, Cục ATTP đã chuyển thông tin trên đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để điều tra vụ việc. Đồng thời, Cục khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm trên.
Đây chỉ là 2 vụ việc gần đây trong số nhiều vụ việc được phát hiện thời gian qua. Lợi dụng những sơ hở, buông lỏng hậu kiểm cũng như lợi dụng kẽ hở tự kê khai mà nhiều DN đã qua mặt, lừa dối cơ quan quản lý để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái.
Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm
Với tỉ lệ 63% số người trưởng thành (tại Hà Nội) và 43% (tại TP Hồ Chí Minh) đang sử dụng, TPCN được xem là "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái hoành hành. Cùng với đó, nhiều DN bất chấp mối nguy cũng như ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đã thực hiện các chiêu trò quảng cáo sai phép. Thực trạng này không chi gây thiệt hại về kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN, theo ông Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt các hành vi vi phạm với khung cao nhất. Cơ quan này cũng sẽ trực tiếp lấy mẫu và đề nghị các địa phương thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, tiến hành thanh, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. Song, người đứng đầu Cục ATTP cũng khuyến cáo: “Thị trường TPCN “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường”.
Đề cập đến biện pháp quản lý, theo TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, ngành Y tế (cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan tới lĩnh vực TPCN) cần rà soát công tác quản lý trong giám định, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành, cấp giấy phép. Ngoài ra, tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng TPCN. Cùng với đó, Cục ATTP cũng cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về giấy phép, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng kiểm soát nhập khẩu, kinh doanh TPCN.
TPCN không thay thế được thuốc chữa bệnh, mà chỉ có tác dụng nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ việc điều trị bệnh. Người dân khi sử dụng cần tuân theo tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng TPCN với hàm lượng cao trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, mọi người không nên mua, không sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật. Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - TS Trương Hồng Sơn |
Theo Kinh tế Đô thị