Năm 2016 xác định là năm trọng điểm làm thực phẩm an toàn. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã làm một cách bài bản để cùng các địa phương xây dựng mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…

Tại buổi lễ ký kết Cung ứng nông sản thực phẩm an toàn được tổ chức vào sáng ngày 8/10, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2016 Bộ xác định là năm hành động về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu phấn đấu đến chuỗi năm mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đã và đang tích cực tiến hành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh các giải pháp về tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý nghiêm và công khai các nông sản thực phẩm không an toàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm thì các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền… cũng được chú trọng.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, việc tổ chức triển khai đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, Bộ NN-PTNT đã triển khai một cách khá bài bản.

{keywords}
Chuỗi cung ứng nông sản an toàn vẫn còn quá ít so với nhu cầu của người dân, nhất là người dân ở những thành phố lớn

Đào tạo nguồn lực triển khai đề án tại các địa phương; hỗ trợ một số địa phương xây dựng mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; tổ chức kiểm tra đôn đốc tiến độ tại một số địa phương tham gia Chương trình phối hợp phát triển chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cũng tăng cường giới thiệu, quảng bá các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, ông Hào chia sẻ.

Tính đến tháng 9 năm 2016, cả nước mới có 45 địa phương có mô hình chuỗi hoàn chỉnh với tổng số 382 chuỗi cung ứng các sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo, thủy sản các loại.

Thực tế, con số trên là quá ít so với nhu cầu về thực phẩm sạch mà người tiêu dùng cần, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều đáng mừng là gần đây đã có nhiều doanh nghiệp lớn quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp này còn tham gia ký kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng.

Như Băng