Các loại thực phẩm thiết yếu vẫn tăng giá tùy tiện, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

TIN BÀI KHÁC

Té nước theo mưa

Tại Hà Nội, do lo ngại ảnh hưởng cơn bão số 3, từ cuối tuần trước người dân đổ xô đi mua thực phẩm, rau xanh tích trữ, khiến giá cả “đột ngột” đội lên. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ Thành Công, Thái Hà, Xanh - Kim Liên, chợ Mơ… sáng 1-8, mưa bão đã đi qua, rau xanh bắt đầu vào đợt tăng giá mới. Mức tăng trung bình khoảng vài nghìn đồng/loại so với tuần trước.

Chị Đàm Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh rau củ lâu năm ở chợ Thành Công cho biết: “Sau bão, đến mưa, hết mưa lại nắng, mặt hàng rau xanh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và rất khó bảo quản nên giá cả phập phù tăng giá hằng ngày. Mùa mưa bão còn tiếp tục kéo dài, do đó, giá cả rau xanh trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn tăng”.

Mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò, thịt gà cũng “rủ nhau” lên giá từ 10.000-20.000 đồng/kg. Riêng giá thịt heo, tăng từ đầu tuần trước, song hành với đợt tăng của giá vàng. Giá thịt heo đã tăng 100% so với đầu năm và tăng từ 10-20% so với cuối tháng 6.
Tất cả các loại thực phẩm đều đang tăng giá chóng mặt

Tại TP.HCM, thị trường bán lẻ có dấu hiệu làm giá. Minh chứng rõ ràng nhất là tình trạng mỗi chợ một giá và giá thực phẩm ở chợ lẻ cao hơn nhiều so với hệ thống siêu thị. Đơn cử như giá rau củ tại chợ Thái Bình giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi hầu hết chợ khác giá mặt hàng này lại tăng.

Giá thực phẩm giữa các chợ, hoặc giữa chợ truyền thống và siêu thị có sự chênh lệch quá lớn, thậm chí là ngược nhau. Cùng mặt hàng thịt gà công nghiệp nhưng có chợ bán 53.000 đồng/kg, chợ khác đẩy lên đến 70.000 đồng/kg.

Giá cả tăng cao một phần do chi phí đầu vào gia tăng nhưng một phần là do tình trạng “té nước theo mưa”. Giám đốc một công ty chăn nuôi cho rằng, thị trường thịt gà đang có hiện tượng làm giá do một số doanh nghiệp hoặc nhà phân phối nhận thấy nhu cầu thị trường chuyển hướng qua tiêu thụ thịt gà nên đã chủ động tăng giá.

Ông Châu Nhựt Trung - Tổng giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cho biết: “Giá gà công nghiệp tại lò giết mổ chỉ hơn 40.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ thì tiểu thương bán tùy hứng, không ai kiểm soát được”.

Có thể thấy, cùng mặt hàng thịt heo nhưng giữa các chợ chênh lệch đến vài chục ngàn đồng/kg, cùng mặt hàng thịt gà cũng chênh lệch từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tương tự, giá heo hơi trên thị trường miền Đông Nam Bộ gần đây có giảm nhẹ từ 2.000 - 4.000 đồng/kg nhưng giá heo thịt bán lẻ trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở phố Ngọc Hà, Hà Nội than thở: “Từ tết ra đến giờ, tính trung bình mỗi tháng, giá thịt heo tăng thêm 10.000 đồng/kg. Rau xanh, tôm cá đều đua nhau tăng giá. Người bán hàng vin vào đủ cớ để tăng, nào là nguồn cung khan hiếm, nào là lương tăng, rồi điện, xăng tăng… Giờ chẳng còn cớ nào tăng, người ta lại đổ tại thời tiết, thậm chí có người còn nói do giá vàng. Người bán hàng nói ế ẩm nhưng họ vẫn có thể tăng giá, còn người tiêu dùng lại không thể nhịn ăn. Cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”.

Không thể thả nổi

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, trong tuần này, giá thịt heo hơi sẽ hạ nhiệt sau khi tăng giá mạnh vào tuần trước. Riêng trong ngày hôm qua 1-8, giá thịt heo hơi tại các tỉnh phía Nam đã giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg từ 60.000 đồng/kg xuống còn 57.000 - 58.000 đồng/kg. Còn miền Bắc, giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg từ 70.000 đồng/kg xuống còn 65.000 - 66.000 đồng/kg.

Ông Giao thừa nhận, mặc dù giá thịt heo hơi có giảm, song một khi mặt bằng giá mới đã xác lập, mặt hàng thịt heo khó có thể xuống giá.

Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, từ cách đây 2 tháng, người dân tại nhiều tỉnh thành đã bắt đầu nuôi lại, nguồn cung bổ sung cho thị trường có thể tăng từ 10-15%.

“Rau xanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thường tăng giá vào mùa mưa bão, còn gia súc chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp nên nếu giá thức ăn chăn nuôi không tăng, nguồn cung ổn định thì giá thịt heo hơi sẽ giữ giá, cùng lắm chỉ có thể giảm xuống từ 5-7% giá hiện nay” - ông Giao nhận định.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, giá thực phẩm và rau xanh tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập. Mặt bằng giá mới được duy trì trong bao lâu còn phụ thuộc vào sự điều hành, quản lý của các cơ quan chức năng.

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nguồn hàng bình ổn đang ổn định, không xảy ra khan hàng, thiếu hàng. Tương tự, bà Đào Thị Hương Lan - GĐ Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết, đến nay vẫn chưa có đơn vị bình ổn thị trường nào xin điều chỉnh giá.

UBND TP Hà Nội vừa có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên thị trường Hà Nội. Theo đó, Sở Tài chính có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên và đột xuất các yếu tố hình thành giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ do các DN đăng ký giá, kê khai giá trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý và có phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước những DN không chấp hành đúng theo giá đã đăng ký, kê khai; chủ trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá trên địa bàn TP, kiên quyết xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán không đúng mức giá đã đăng ký, kê khai…

Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về giá.


(Theo Thanh Niên)