Những ngày này, người trồng hoa đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa mới.
Trên cánh đồng hoa, anh Nguyễn Văn Nam - một người trông hoa cúc đang tất bật tưới nước, bón phân.
Anh kể, “Năm nay nhìn chung không có sâu bệnh nên nông dân chúng tôi bớt lo hơn rất nhiều. Thời tiết ấm nên bông cũng ra dài và đẹp hơn mọi năm”.
Dưới luống hoa cúc sắp đến ngày thu hoạch, anh Nam nâng niu, vun xới từng gốc cây, tách từng chiếc lá, ngắt nhẹ từng cành hoa mới thấy anh yêu hoa đến nhường nào.
“Ngày đó tôi nghĩ với hoàn cảnh của mình phải làm cật lực đến tuổi bốn mươi may ra mới có tiền làm nhà, nhưng giờ thì đã có nhà đẹp, nội thất cũng tạm ổn” - anh Nam phấn khởi giới thiệu về thành quả lao động của mình những năm qua.
Cây hoa cúc đã giúp anh Nam thoát nghèo |
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Nam làm việc tại một công ty xây dựng ở TP Thanh Hóa. Dù là một kỹ sư cầu đường, anh vẫn luôn nung nấu trở về khởi nghiệp, làm giàu tại chính mảnh đất quê hương.
Năm 2018, anh quyết định trở về quê. Do đất đai ở quê anh chủ yếu là vùng trũng, nhiễm mặn và khó dồn đổi, nên anh phải sang xã kế bên để thuê đất trồng hoa.
Năm đầu tiên thực hiện với số vốn còn hạn chế, anh Nam chỉ tiến hành trồng chục vạn khóm hoa cúc. Bằng sự cần cù chịu khó cộng với những kiến thức và kĩ thuật đã được học, anh đã áp dụng để chăm sóc cho vườn hoa của mình. Nhờ đó vườn hoa của anh trồng phát triển tốt và sớm đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Năm 2019, anh Nam tiếp tục mở rộng diện tích và tăng số lượng khóm cúc, với giá bình quân bán đổ cho khách hàng từ 2-3 nghìn đồng/bông thì cứ một vụ khoảng gần 4 tháng đã cho thu lãi trên 100 triệu đồng, trong khi thời tiết thuận lợi có thể trồng được 3 vụ hoa trong một năm.
Theo anh Nam, trồng và chăm sóc hoa cúc không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải kiên trì, tỷ mỷ từ cách làm đất, bón phân, đến phòng trừ sâu bệnh. Cũng theo anh, đất trồng hoa phải giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và phải có hệ thống tưới tiêu tốt vì nếu bị ngập úng cúc sẽ chết, đồng nghĩa với việc trắng tay…
Ngoài lập nghiệp với hoa cúc, anh Nam cũng giới thiệu đầu tư xây dựng các khu nhà lưới để chuyên canh tác các loại dưa, rau quả giá trị kinh tế cao. Những lứa dưa vàng, dưa hấu, dưa chuột xuất khẩu thay nhau gối lứa, bắt đầu cho thu hoạch liên tục từ tháng 6 – 2019 đến nay.
Để có được những thành công bước đầu, anh Nam kể anh cũng gặp không ít trở ngại. Khi đứng ra thuê đất, tuy chính quyền thôn và xã tạo nhiều điều kiện nhưng nhiều hộ dân có đất không đồng tình, dù họ đang sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế không cao. Phải mất nửa năm đến từng nhà vận động, làm công tác tư tưởng, anh mới có được các hợp đồng thuê lại đất của hơn 30 hộ nông dân địa phương.
“Khi đã có 2,5 ha đất trồng màu liền thửa, quá trình đầu tư lại thiếu vốn. Ngoài tiền tích lũy, tiền hỗ trợ của hai bên gia đình nội ngoại, tôi phải vay mượn bạn bè, anh em, rồi làm thủ tục vay ngân hàng”, anh nói.
Xác định sản xuất sạch với những sản phẩm an toàn để tạo uy tín chính là yếu tố sống còn của mô hình, anh Nam quyết định đầu tư đi học hỏi các mô hình hiệu quả khác. Đồng thời anh cũng tích cực nghiên cứu trên mạng internet để tự sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ không độc hạị, bảo đảm an toàn vệ sinh, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện mô hình sản xuất sạch vẫn được anh tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, dự kiến sẽ được xây dựng thêm đường giao thông nội khu sản xuất, hệ thống kênh mương tưới tiêu, hàng rào, ao trữ nước, các công trình phụ trợ và mở rộng thêm hệ thống nhà lưới lên tổng diện tích khoảng 4.000 m2.
Ngoài việc xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, anh Nam còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và làm theo lời Bác dạy các thế hệ thanh niên Việt Nam. Với tinh thần xung kích đi đầu cộng với sự cần cù chịu khó trong lao động và sáng tạo, anh Nam đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Văn Bắc
Ảnh: Thúy Tình