Cử tri tỉnh Bạc Liêu gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính thông qua Ban Dân nguyện đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung lại Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi về việc người tiêu dùng phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Theo nội dung đề nghị, người dân đã trả phí tiêu dùng thì việc phải chịu thêm 10% thuế giá trị gia tăng là không phù hợp.
Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, thuế giá trị gia tăng là sắc thuế gián thu tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng cho thấy, thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò điều tiết thu nhập để đảm bảo công bằng xã hội, góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua điều tiết tiêu dùng và tiết kiệm, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo an ninh xã hội và định hướng sản xuất và tiêu dùng.
Trong hệ thống chính sách thuế hiện nay, thuế giá trị gia tăng là nguồn thu quan trọng, ổn định, bảo đảm tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng nguồn tài chính cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Thống kê cho thấy, số thu về thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: năm 2022 khoảng 24,5%, năm 2023 khoảng 23%.
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước phát triển và các nước đang phát triển đều thực hiện cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường vai trò của thuế giá trị gia tăng, coi thuế giá trị gia tăng là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước.
Số lượng quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016, 195 nước năm 2020. Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế giá trị gia tăng để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách thì xu thế tăng thuế suất giá trị gia tăng diễn ra phổ biến.
Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mức thuế suất của 164 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông 10% của Việt Nam tương đối thấp.
Cụ thể, có 122 nước có mức thuế suất phổ thông từ 13% đến 27% (trong đó 84 nước có mức thuế suất từ 17% đến 27%); 26 nước có mức thuế suất phổ thông ở mức 10% đến dưới 13%; và 16 nước có mức thuế suất phổ thông dưới 10%. Các nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất 13%; Philippines có mức thuế suất 12%.
Bộ Tài chính cho hay, khi thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, có một số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng. Nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu thời điểm thích hợp thực hiện mục tiêu này để trình Quốc hội xem xét quyết định trong giai đoạn thực hiện tiếp theo của chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Năm 2024, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72 ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Nghị định quy định giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm mặt hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Quốc Tuấn