Tháng 9/2014, sau khi đầu tư vào một công ty chia sẻ phương tiện (những công ty dạng như Uber hay Grab) có tên gọi Sidecar, tỷ phú Richard Branson tuyên bố đây là “thuở ban đầu, giống như nhiều công ty sản xuất hàng hóa khác, vẫn còn chỗ cho những người sáng tạo ra các trải nghiệm khách hàng tuyệt vời”. Ông còn cho biết mình sẽ không đổ tiền vào những thị trường mà “kẻ chiến thắng là kẻ có tất cả”.

Ông tin tưởng rằng những công ty chia sẻ phương tiện sẽ sống sót và thậm chí là thịnh vượng. Thế nhưng vào cuối tháng 12 vừa rồi, Sidecar đã tuyên bố đóng cửa, chấm dứt hoạt động.

Một tỉ phú như Branson hiếm khi đưa ra những đánh giá sai. Thế nhưng có vẻ quan niệm về việc thị trường các công ty chia sẻ phương tiện của ông không được chính xác lắm. Những gì Branson nói có vẻ chỉ chính xác với một số công ty bán những sản phẩm ít mang tính đổi mới, ví dụ như hàng hóa đóng gói, nước soda hoặc các công ty bán dịch vụ tượng tự như dịch vụ di chuyển bằng đường hàng không.

Coke sẽ không khiến Pepsi bị xóa sổ trên thị trường. Toyota sẽ không loại bỏ cái tên Honda. Nhưng ngày nay, thế giới này là thế giới của internet. Hầu hết sự cạnh tranh tại Thung lũng Silicon đều nghiêng về xu hướng “kẻ chiến thắng là kẻ độc quyền”. Đó cũng là lý do vì sao sự cạnh tranh trên thị trường chia sẻ phương tiện lại chỉ xoay quanh Uber và Lyft.

Theo nhận định của phóng viên Ol Malik của trang The New Yorker, người có hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên viết về Thung lũng Silicon, các sản phẩm và thị trường thường đi qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khi ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ mới được định hình bởi một người hoặc một nhóm người thông minh. Trong một thời gian ngắn, ý tưởng đó trở nên phổ biến, thị trường xuất hiện hàng tá những “kẻ bắt chước” được các quỹ đầu tư rót vốn. Hầu hết những công ty trong số đó sẽ chết. Sau khi thị trường ổn định, chỉ còn lại một hoặc hai “ông lớn” trụ vững.

Năm 1998, khi Google ra đời, thị trường tìm kiếm lúc đó chỉ có một kẻ thống trị, chính là Yahoo. Yahoo là công ty định nghĩa ra nhu cầu tìm kiếm trên web. Các công ty khác như Infoseek, Lycos và Excite tụt lại phía sau. Vì vậy cách duy nhất để đánh bại cách thức tìm kiếm cũ kỹ theo kiểu chỉ dẫn của Yahoo là phải tạo ra được sự khác biệt. Đó chính là những gì Larry Page và Sergey Brin đã làm được. Họ đã đúng khi tin rằng web sẽ lớn mạnh, cả về kích cỡ, quy mô và mức độ sử dụng. Chúng ta sẽ cần một công cụ tìm kiếm mới, nhanh hơn, đơn giản hơn có khả năng cập nhật ngang bằng với tốc độ cập nhật của web. Và sau đó họ khiến cho công cụ tìm kiếm này ngày càng nhanh hơn, nhanh tới mức bạn đã có ngay kết quả khi đang còn gõ từ khóa tìm kiếm. Đương nhiên để làm được điều này, họ cần phải xây dựng và sở hữu cơ sở hạ tầng riêng, từ mạng cho tới trung tâm dữ liệu và cả máy chủ.

Khi Google bắt đầu phát triển, thuật toán tìm kiếm mới của họ thu hút sự chú ý của nhiều đối thủ. Simpli, Dogpile, Northern Light và Direct Hit là vài trong số những cái tên xuất hiện vào khoảng thời gian đó. Một công ty nữa với tên Powerset cuối cùng đã bị Microsoft mua lại và trở thành phần lõi của cái mà chúng ta đều quen thuộc với cái tên Microsoft Bing. Thế nhưng trong cuộc đua tìm kiếm, Bing chỉ là kẻ “hít khói” của Google.

Nếu nhìn lại, bạn sẽ thấy thành công của Google một phần là nhờ sinh ra trong thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên băng thông rộng. Thế nhưng thành công này cũng xuất phát từ thực tế mới của internet: sẽ có rất nhiều dịch vụ dựa trên thuật toán, và sở hữu cơ sở hạ tầng riêng sẽ là một lợi thế chủ chốt. Cơ sở hạ tầng như mạng, kho lưu trữ và máy tính cho phép Google thu thập dữ liệu web và sắp xếp kết quả mà không tốn nhiều tiền. Sau khi có nhiều kinh phí hơn, Google lại đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng giúp công ty phục vụ người dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn và khiến hàng trăm triệu người có thể tìm kiếm bất gì mình muốn chỉ với Google. Càng có nhiều người tìm kiếm, Google lại càng có thêm nhiều dữ liệu, từ đó các kết quả của Google cũng chính xác hơn, thông minh hơn, nhanh hơn và thậm chí là mang tính cá nhân hơn. Nói ngắn gọn: Google càng lớn hơn thì càng mạnh hơn và tốt hơn. Google chính là kẻ chiến thắng, và kẻ chiến thắng này có tất cả.

Vòng lặp của “thuật toán, cơ sở hạ tầng và dữ liệu” cộng thêm cái chúng ta gọi là “hiệu ứng mạng” tạo thành một thứ hỗn hợp. Hiệu ứng mạng xuất hiện khi giá trị của một sản phẩm hoặc dịch vụ tăng lên khi số lượng sử dụng nó tăng lên. Nhà phát minh ra Ethernet, Bob Metcalfe, gọi nó là Định luật Metcalfe. Dịch vụ điện thoại, eBay và Skype là những ví dụ điển hình về hiệu ứng mạng tại công sở. Càng nhiều người sử dụng Skype, bạn càng có thể gọi cho nhiều người và dó đó sẽ có thêm người gia nhập những “mạng lưới” này.

Trong những ngày đầu của thế giới mạng, sự phát triển bị hạn chế bởi tốc độ chậm, các chi phí đắt đỏ, ví dụ như chi phí kết nối di động, máy tính hư hỏng hay trình duyệt không hoạt động. Sự ra đời của Smartphone đã làm thay đổi tất cả. Facebook chính là một trong những kẻ được lợi nhất trong lịch sử từ hiệu ứng mạng này. (Một mạng xã hội sẽ có giá trị hơn hơn với bạn khi bạn bè của bạn cũng gia nhập). Từ 200 triệu người sử dụng, Facebook đã phát triển lên con số 1,2 tỷ trong vòng 7 năm qua. Trong 7 năm đó, chiếc điện thoại cũng trở thành thiết bị chính để mọi người trực tuyến.

Đó cũng không phải là cách duy nhất mà Facebook tạo nên thế độc quyền trong thế giới mạng xã hội. Trong một thập kỷ qua, công ty này cũng đổ vô số tiền vào các trung tâm dữ liệu, thuê rất nhiều kỹ sư, biến News feed của mình trở thành một thuật toán mạnh. Càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu công ty này thu được càng có lớn và Facebook càng có quyền lực ngầm trong việc điều khiển mối quan tâm của tất cả chúng ta. Facebook đã tìm ra cách để trở thành lý do khiến chúng ta bị nghiện smartphone. Nhờ vào những vòng lặp “thuật toán, cơ sở hạ tầng, tiền và dữ liệu”, Facebook đã trở thành một kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng có tất cả. Trong cuộc đua mạng xã hội, Twitter cũng chỉ là một kẻ “hít khói” mà thôi.

Và giờ đây Uber cũng đang xây dựng thứ vòng lặp “thuật toán, cơ sở hạ tầng và dữ liệu” của mình. Tháng 6/2014, một bài viết đăng trên Fast Company cũng chỉ ra rằng Google và Uber chẳng khác nhau là mấy. Băng thông rộng chính là “mặt trời chân lý” khiến Google trỗi dậy, còn mặt trời chân lý của Uber chính là smartphone. Thời gian xe tới càng ngắn, Uber càng mạnh. Và lúc đó sẽ chẳng có ai để ý xem Lyft hay Flywheel hay cả Grab là ai nữa.

Uber cũng đã học hỏi từ Facebook một điều: hãy xin thật nhiều tiền đầu tư và sử dụng chúng làm động lực cạnh tranh. Bởi Uber đã xin được khoản đầu tư 12 tỷ USD, hãng này hoàn toàn có thể phủ ngập thị trường bằng chính cái tên của mình. Càng nhiều những chiếc xe Uber chạy trên đường, càng có thêm nhiều người sử dụng chúng. Tài xế xe tới đón khách càng nhanh, càng có nhiều hãng vận chuyện khác tương tự Uber bị rơi vào quên lãng. Và đương nhiên, càng có thêm người sử dụng Uber, dữ liệu mà công ty này thu thập được càng lớn, giúp hãng sử dụng các thuật toán để tối ưu hóa các lộ trình giao thông và sắp xếp đội ngũ lái xe. Một thời gian nữa, bạn sẽ thấy cả những dịch vụ giao đồ ăn hay chuyển phát nhanh cũng sẽ là một phần của Uber. Vậy là từ một ứng dụng chuyên để gọi xe Limousine cho những người đi dự tiệc, công ty này đã định hình lại thị trường vận chuyển.

Trong khi đó, Amazon cũng đã tiến khá xa trong cuộc đua thương mại điện tử, bỏ lại rất nhiều những đối thủ lẻ tẻ khác đang phải chật vật chiến đấu để giành những miếng “vụn bánh” thị trường. Microsoft ngày nay vẫn là công ty thống lĩnh thị trường sản phẩm văn phòng. 8 năm sau cuộc bùng nổ của smartphone, Android của Google và iOS của Apple vẫn là 2 cái tên đình đám nhất. Trong thị trường chip, Intel và một số đối thủ khác là những ông lớn “được ăn cả”. Hai công ty thống lĩnh thị trường đám mây là Amazon và sau đó là Microsoft Azure. Vị trí thứ 3 thuộc về G.C.E của Google nhưng nó vẫn còn kém xa 2 vị trí đầu. Thị trường thanh toán điện tử hiện có nhiều cái tên như Square, PayPal, Apple Pay, Android Pay, Samsung Pay, và Walmart Pay nhưng sớm muộn đây sẽ chỉ còn là cuộc chiến của 2 đến 3 ông lớn.

Những cái tên nhỏ sẽ biến mất. Đây cũng là quy luật của thị trường. Google, Facebook và có lẽ là cả Uber chính là minh chứng rõ ràng nhất của một điều: trong kỷ nguyên kết nối, dữ liệu, cơ sở hạ tầng và thuật toán giúp các công ty có được lợi thế lớn. Và đương nhiên: kẻ chiến thắng là kẻ có tất cả.