Xét về tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới, khoảng 35% và cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.
Tại buổi họp báo về Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam, ông Trần Đức Tân, Giám đốc dự án Z.com, cho hay quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là khoảng 4 tỷ USD, bằng 1/30 so với mức 120 tỷ USD của Nhật Bản.
Nhưng, về tăng trưởng thương mại điện tử, Việt Nam lại đang dẫn đầu khu vực, gấp 2,5 thị trường Nhật Bản. Thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ “offline” sang “online”.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử thời gian vừa qua cho thấy đã tạo ra hệ sinh thái tốt cho thị trường thương mại điện tử.
Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 24/2 |
Ông Hưng dẫn câu chuyện về Uber tại Việt Nam, một ví dụ điển hình rất tốt cho câu chuyện thương mại điện tử. “Những mô hình kinh doanh mới như Uber đem lại lợi ích rất nhiều nhưng bên cạnh đó cũng có không ít mặt trái. Họ thay đổi cách kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng cho mọi đối tượng trong đời sống xã hội. Chúng ta không thể viện lý do pháp luật của chúng ta chưa quy định vấn đề này thì cấm. Đó là cách tư duy hoàn toàn lạc hậu”, ông Hưng nói.
Tổng thư ký Vecom, ông Trần Trọng Tuyến cũng cho biết, một thị trường khi được nhiều “ông lớn” quan tâm cho thấy thị trường rất ổn, tiềm năng. Về phía khách hàng, ông Tuyến cho rằng họ là người có nhiều lợi ích hơn cả. Khách hàng sẽ ngày càng nhận được dịch vụ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, công nghệ hiện đại, việc mua sắm sẽ ngày càng dễ dàng.
Thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 có nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp đã “ra đi” như DECA.vn, Lingo.vn, Cdiscount,... nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu “tham chiến” như Lotte, Vuivui. Trên nền tảng di động, Shopee - ứng dụng TMĐT đã có mặt tại 7 quốc gia tại châu Á, mới đây cũng đã vào Việt Nam. Nhìn chung đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp mới tham gia.
Theo Vecom, thương mại điện tử đã bước sang giai đoạn phát triển khá nhanh nhưng sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng tăng có thể dẫn tới nhiều thách thức.
Duy Anh