UKVFTA được ký chính thức tại London, vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong một bài trò chuyện đã nhận định, sau 1 năm chính thức thực thi đầy đủ (1/5/2021 - 1/5/2022) và gần 1 năm rưỡi có hiệu lực tạm thời (1/1/2021), thương mại song phương Việt Nam - Anh năm 2021 đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD sau khi bị giảm sút đáng kể trong năm 2019 và 2020.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD tăng 16,4% so với năm 2020. Các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng có kết quả tích cực với tổng kim ngạch đạt gần 850 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2020.
Tính đến đầu tháng 5 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, với các nhóm hàng chủ lực là thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các sản phẩm từ chất dẻo, hàng may mặc, giầy dép, sắt thép, điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị phụ tùng, đồ chơi và dụng cụ thể thao.
Những kết quả trên đã thể hiện sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác các cơ hội mới, khi nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trước so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brasil,... vì những nước này chưa có Hiệp định thương mại tự do với Anh quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Anh đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam cũng là nhân tố rất tích cực trong việc vận dụng những lợi thế mới và tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nhân và nhà đầu tư tại Anh.
Theo quan sát của ông Nguyễn Cảnh Cường, Hiệp định UKVFTA đã cung cấp hai "đòn bẩy" lớn cho giao thương giữa hai nước. Đó là đòn bẩy miễn giảm thuế và đòn bẩy tiêu chuẩn hóa khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại song phương. Ngoài ra, đòn bẩy tâm lý cũng có hiệu ứng rất tích cực.
"Bởi UKVFTA đang tạo ra nhận thức mới trong giới doanh nhân và người tiêu dùng Anh về một đất nước Việt Nam đang phát triển ổn định, có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, có thị trường tiêu dùng hấp dẫn và có một thể chế chính trị đã và đang cải cách thành công", ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.
Quang Ninh, Nguyễn Doanh, Hoài Bắc