* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Tôi không hiểu vì sao lại phải để quá nhiều chuyện tồi tệ đến với Khánh như vậy. Dừng ở ly hôn, bị chồng bỏ vì ngoại tình là đủ khủng hoảng, bấn loạn lắm rồi. Rất có thể biên kịch và đạo diễn muốn đẩy mọi việc đến cùng cực: nhà chồng bắt nạt, chồng nhu nhược không bảo vệ được vợ, con quay lưng, đồng nghiệp hắt hủi, miệng lưỡi thế gian cay nghiệt, xem thường…
Nhưng cũng chỉ cần đến đoạn ly hôn, bị đuổi khỏi hội sở, ra ngoại thành làm ở chi nhánh, đồng nghiệp mới xì xào, hàng xóm nhà mẹ bỉ bôi là được rồi đâu cần phải cho thêm tình huống lão trưởng chi nhánh ve vãn kiểu “rau già còn cành cao” rồi bắt đi tiếp khách làm gì? Nhà làm phim nào cũng muốn đưa ra thật nhiều thông điệp nhưng nếu tham quá rất dễ bị đi vào vết xe đổ bấy lâu được gán cho phim THVN - đẩy kịch tính lên chót vót rồi không biết gỡ nút thế nào để cái kết phanh gấp để lại hụt hẫng và nuối tiếc cho khán giả.
Có nhiều người gọi phần 2 của phim với cái tên rất ngộ “Thương ngày Khánh về” (chế tên phim Thương ngày nắng về và nhân vật Khánh của Lan Phương) và nhất quyết đợi khi nào hết drama nhà Khánh - Đức mới xem tiếp. Vẫn biết nội dung phim là xoay quanh đại gia đình nhà bà Nga, cuộc sống của 3 người con Khánh-Vân-Trang chứ không riêng gì cặp Trang-Duy với bà Nhung - ông Long (như mọi người vẫn nghĩ) nhưng để đến gần 30 tập của phần 2 chỉ xoáy vào drama của Khánh – Đức có phải là hơi hoang?
Nhẽ chỉ nên để cùng lắm 12/48 tập thì vừa, giảm bớt những đoạn kinh khủng hoảng choang choảng của mẹ chồng chị chồng rồi đồng nghiệp mới bắt đi tiếp khách, tăng thời lượng cho đôi Vân - Phong, bà Nhung trả mối thù với ông Long có phải hút khán giả hơn không? Khán giả đỡ ức chế, thông điệp gọn gàng, tập trung, vẫn có đủ nước mắt và nụ cười, rất hài hòa và nhân văn như phần 1.
Mình không thích giọng Lan Phương (từ trước đến giờ) nhưng phải công nhận phim này cô ấy đóng quá chất, diễn như không diễn mà sâu, mà thấm, mà thương. Đức cũng vậy. Với mình, đây là vai hay nhất mà Hồng Đăng thể hiện từ trước đến nay, khác hẳn các vai bạn ấy đóng soái ca.
Đôi Duy - Trang thì nhạt dần từ thiếu chemistry đến rất thốn từ lúc chuyển sang xưng hô “cậu-mợ”. Cực kỳ dị ứng và không hiểu ý đồ của biên kịch khi xây dựng cách xưng hô này.
Nhân tiện nói về xưng hô, nhiều khán giả lên án việc Đức chưa ly hôn đã thay đổi cách xưng hô với bà Nga từ “con-mẹ” sang “cháu-bác”. Với cách xưng hô truyền thống trong gia đình Việt Nam, cũng như trong mối quan hệ rất tình cảm mẹ vợ - con rể của bà Nga và Đức thì đúng là có cái gì đó sai sai. Nhưng thông qua cách thay đổi xưng hô này, Đức muốn xác quyết với bà Nga là đừng hy vọng gì nữa, giữa cháu và con bác chấm hết thật rồi. Vì Đức biết nếu vẫn xưng hô “mẹ-con” chắc chắn Đức sẽ không cầm được lòng mà òa khóc, mà kể hết chuyện ung thư này nọ cho bà Nga, mà thế thì còn lâu Khánh mới chịu ly dị, còn lâu bà Nga mới cho Khánh bỏ Đức và Khánh sẽ mãi mãi đau khổ.
Ấy là suy nghĩ của Đức và cách hành xử đúng với tính cách con người Đức – yếu đuối, kém bản lĩnh, bất tài dù rất yêu vợ, thương con. Bằng cách gọi bà Nga là bác, Đức muốn tạo lá khiên bảo vệ mình, Đức phải dùng ngoại lực khi không thể dùng nội lực để trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy thử nghe lại đoạn nói chuyện của Đức với Trang rất khác với bà Nga, Đức vẫn gọi Trang là dì Trang, bởi Đức biết Trang rất cứng rắn, mạnh mẽ, nhìn nhận mọi việc lý trí nên Đức không cần thay đổi xưng hô như một cách tự bảo vệ. Tình cảm thật mà Đức dành cho bà Nga, dì Trang, cậu Vượng vẫn vẹn nguyên như xưa (minh chứng là câu phản pháo của Đức dành cho bà Hiền: Nhà bên ấy còn tốt gấp nghìn lần nhà này).
Mình thấy ý đồ này của biên kịch rất có tác dụng lột tả đậm nét tính cách của Đức. Đức nếu cư xử khác đã không phải là Đức và đã không để Khánh phải chịu bao thiệt thòi, oan ức như thế.
Nói về Sam – So tôi thấy có nhiều khán giả bức xúc bảo Sam láo, bình thường hiểu chuyện ngoan ngoãn đáng yêu thế mà giờ là lúc mẹ cần con gái thông cảm lại quay lưng với mẹ, nói năng cư xử hỗn hào.
Cá nhân tôi thấy biên kịch và đạo diễn để Sam “quay xe” như mấy tập vừa rồi là cực đúng với tâm lý các bạn tuổi teen, lại là con gái trong gia đình có bố mẹ không hạnh phúc. Trước đây gia đình êm ấm, Sam So chỉ lo ăn học, vui chơi, thỉnh thoảng ức bà nội thay mẹ tẹo thôi nhưng về cơ bản là khá êm đềm. Bỗng một ngày sóng gió xảy ra, bố mẹ chia tay, người lớn căng như dây đàn và không thể chia sẻ, giải thích được nhiều cho con cái hiểu, mạng xã hội tác động đến từng cá nhân, bạn bè xì xào… Không chỉ Khánh, mà bé Sam cũng đang rơi vào khủng hoảng và trầm cảm. Điều đó là thực tế đang diễn ra ở ngoài đời với rất nhiều đứa trẻ.
Thông điệp của phim rất nhiều nhưng cho đến khi xem hết tập phim tối 1/6, tôi thấy rất tâm đắc với điều nhắn gửi của biên kịch và đạo diễn: Muốn con cái hạnh phúc, ngoan ngoan (có cách ứng xử bình thường, hòa nhã) cha mẹ cần chữa lành bản thân trước tiên. Cha mẹ có bình an, hạnh phúc các con mới có được môi trường an lành để vui sống. Một bà mẹ đang căng thẳng và bấn loạn tột độ như Khánh liệu có thể có được (giữ được) sự bình tĩnh, an nhiên để tâm tình, nhẹ nhàng dạy bảo con hay không? Thật khó khi đòi hỏi ở Khánh điều đó! Nhưng cũng hy vọng gì khi mẹ như vậy mà con lại không trở tính, trở nết?
Trong cuộc sống thực, chắc có nhiều người khổ hơn Khánh, cũng có nhiều người sướng hơn Khánh, nhưng tình trạng những người phụ nữ bị căng thẳng, trầm cảm, không hài lòng với cuộc sống và các mối quan hệ của bản thân thì nhiều vô kể. Khi chúng ta không tìm cách giải quyết được những vấn đề của bản thân, không tìm thấy sự an lạc, bình tâm sẽ ảnh hưởng vô cùng tiêu cực, mỗi ngày một chút, một chút đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi ẩm ương, rồi bẵng đi một thời gian, có thể là rất nhanh thôi, chúng ta không thể hiểu nổi vì sao con cái lại thay đổi theo chiều hướng tiêu cực đến vậy?
Mong mỗi người phụ nữ cố gắng học cách cân bằng cảm xúc của mình để bớt khổ và không làm tổn thương người thân, đặc biệt là con cái.
Hà Việt Anh
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.