Ám ảnh chợ giày cuối năm
Hình ảnh người công nhân trải giày ra bán dọc đường Đội Nhân (Ba Đình, Hà Nội) đã từng ám ảnh người dân sống trong khu vực Công ty Giày Ngọc Hà 20 năm về trước. Cuối năm, kì nghỉ Tết sắp bắt đầu mà Công ty không có nguồn tiền, người lao động được trả thưởng một phần bằng chính sản phẩm giày mà họ gò lưng làm ra mỗi ngày.
Chợ giày xếp tạm bợ dọc phố, người bán là công nhân còn mặc đồng phục, mặt đầy lo lắng, người mua có thương cảm đến mấy cũng không thể mua hỗ trợ, vì các sản phẩm giày đó hoặc là lỗi mốt, hoặc là ít tính thực dụng. Đôi nào dùng được có thể đem về cho bố mẹ, người thân, những đôi khác đành bán được đồng nào tốt đồng đó.
“Thương lắm, có những em công nhân mới mười tám, cũng có những chị đã có gia đình, con nhỏ, không bán được giày thì không có tiền về quê ăn Tết, mà đi làm cả năm không có tiền về quê ăn Tết thì thảm thế nào” - chị Bùi Huyền, từng là một cán bộ trong Liên doanh giữa Cty này và đối tác Đài Loan kể lại.
Ảnh minh họa |
Chợ hàng tồn cuối năm không không chỉ là hoàn cảnh của công nhân giày da, mà còn là câu chuyện của công nhân may mặc, khâu bóng... và không ít ngành khác.
Vì thế, khi biết Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có những quy định mới về thưởng, chị Bùi Huyền cũng bày tỏ không ít băn khoăn. “Đây là điểm mới, mở cho người sử dụng lao động hướng chủ động xử lý linh hoạt, nhưng cũng “khép” chặt hơn “cửa” cho người lao động, vốn vẫn “lép vế” hơn trong mối quan hệ kinh tế giữa người sử dụng lao động và người sử dụng lao động”.
Hiện vật được trả thưởng sẽ là những gì?
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, Điều 103 quy định về “Tiền thưởng” nêu rõ: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Điều 104 quy định về “Thưởng” nêu rõ: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…
Pháp luật lao động không yêu cầu người sử dụng lao động bắt buộc phải thưởng Tết, mà có thể thưởng vào các ngày lễ khác cho người lao động. Trên thực tế, “Thưởng” không chỉ “Thưởng Tết”, mà còn bao gồm thưởng đột xuất, thưởng dự án, thưởng quý… và nhiều hình thức thưởng khác tùy vào đặc thù doanh nghiệp và thỏa ước lao động, quy chế về lương, thưởng. Tuy nhiên, đối với đa số người lao động, “Thưởng” chủ yếu là “Thưởng Tết”, và cả năm đi làm trông mong vào kì thưởng này.
Chị Mai Uyên (Bình Dương) chia sẻ, dù người sử dụng lao động thuyết phục rằng hiện vật mà Cty thưởng đều là những đồ dùng cần thiết của gia đình, nhưng chị và hầu hết anh em lao động trong Cty không muốn nhận hiện vật mà muốn nhận tiền để chủ động chi tiêu theo nhu cầu của gia đình, mà mỗi gia đình lại có nhu cầu khác nhau. “Hiện vật chỉ là quà mang tính khuyến khích, chứ bây giờ bảo trả thưởng bằng hiện vật thì không công nhân nào muốn nhận” - chị Uyên nói.
Sẽ có nghị định hướng dẫn?
Trao đổi với báo chí về quy định thu hút nhiều sự chú ý của người sử dụng lao động và người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – cho rằng, quy định tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp.
Theo ông Lợi, Tết năm 2020 thì chưa áp dụng, nhưng từ năm 2021 khi lực có hiệu lực thi hành thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn. Nội dung này phải hết sức cẩn thận để đảm bảo giá trị thực tế của tiền thưởng cho người lao động mà không được thấp hơn giá trị tiền thưởng.
Ông Lợi cũng cho rằng, cách thức trả thưởng như này có phần ưu điểm nếu đảm bảo được giá trị thực, hoặc sản phẩm đó, dịch vụ đó người lao động cần. Tuy nhiên, nếu sản phẩm, dịch vụ đó người lao động không muốn thì doanh nghiệp không được ép người lao động phải lấy. Nghị định của Chính phủ sẽ quy định rất điều kiện như thế nào, cách thức, phương pháp trả ra sao.
Còn chị Bùi Huyền thì hy vọng, các quy định mới đã được các cơ quan hữu trách cân nhắc và Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ được thực thi hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của cả người sử dụng lao động và người lao động, để không còn những phiên chợ cuối năm bán tống bán tháo giày dép, quần áo và nhiều sản phẩm khác…
(Theo Pháp luật Việt Nam)