Theo thông tin từ Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) cho biết, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp vừa đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu Gelex, tương đương 3% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch kể từ ngày 26/5 đến ngày 24/6.

Với mức giá gần 17.000 đồng/cp hiện tại, ông Nguyễn Văn Tuấn có thể phải chi ra khoảng 250 tỷ đồng.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu Gelex gần đây có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn đang ở vùng thấp nhất trong khoảng 3 năm.

Gelex hồi phục chậm hơn nhóm cổ phiếu chủ chốt trên sàn chứng khoán bất chấp đây là một doanh nghiệp được cho là rất tiềm năng với các chỉ số tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định và đang sở hữu những thương hiệu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực tiềm năng như Cadivi thiết bị điện, Melia khách san, logistics, nước sạch, Viglacera…

Gelex là DN lớn ngành công thương cổ phần hoá, nhóm đầu tư mới tham gia vào Gelex sau khi mua trọn hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ) trị giá hơn 2 ngàn tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn chứng khoán UPCOM trong phiên giao dịch ngày 25/12/2015. Đây là số cổ phần mà Bộ Công thương thoái vốn.

Hơn 2 năm sau đó, ngày 3/1/2018, HĐQT Gelex đã có quyết định bầu ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch kiêm TGĐ Gelex.

Gelex sau đó đã liên tục thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực truyền thống và là thế mạnh của Gelex, chiếm khoảng 70% doanh số.

Tuy nhiên, sau vụ thâu tóm Viglacera gần đây và quyết định tấn công thêm sang mảng bất động sản công nghiệp, Gelex lại có quyết định thoái vốn khỏi mảng logistics. 

Với diễn biến mới, lãnh đạo kín tiếng Nguyễn Văn Tuấn có thể sớm xuất hiện với một tư cách mới, một cổ đông lớn với giá trị cổ phần lên tới vài trăm tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 22/5, chỉ số VN-Index giảm nhẹ sau cú tăng mạnh bất ngờ hôm qua. VN-Index hiện dao động quanh ngưỡng 860 điểm. Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục phân hóa.

Theo BVSC, mặc dù xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn vẫn được duy trì, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, VN-Index đã tiến vào vùng kháng cự 860-880. Đây là vùng kháng cự mạnh, do vậy nhiều khả năng thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới. Dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tập trung ở các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí và nhóm hưởng lợi từ EVFTA (dệt may, thủy sản…).

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu, tiếp tục nắm giữ các vị thế hiện có trong danh mục, đồng thời nên hạn chế việc mở các vị thế mới trừ trường hợp chỉ số vượt qua thành công vùng kháng cự 860- 880.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/5, VN-Index tăng 9,82 điểm lên 862,73 điểm; HNX-Index giảm 1,21 điểm xuống 105,74 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 54,31 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,4 ngàn tỷ đồng.

V. Hà