- Bài toán sử dụng hay không Nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2 và câu hỏi chấp nhận hay chấm dứt Dự án Đồng Nai 6 và 6A đang chờ đáp án.

Ưu thế nổi bật và khiếm khuyết “chết người”

Thủy điện Sông Tranh 2.

Thuỷ điện nói chung và thuỷ điện Việt Nam nói riêng cũng giống như dòng sông, bên lở bên bồi, bên đục bên trong. Nói nôm na và thẳng thắn thì… thuỷ điện vừa nổi trội những ưu thế, vừa kèm theo những khuyết tật “chết người”.

Thuỷ điện có thật nhiều điều hấp dẫn đối với hầu hết các quốc gia cả trăm năm nay. Đó là giá thành thuỷ điện thuộc loại thấp nhất vì nhiên liệu rẻ “như nước lã”,  lại là hàng "nội địa", tuổi thọ thì cao đến cả trăm năm. Công trình thuỷ điện đa dụng, không chỉ phát ra điện còn kiêm luôn chức năng kiểm soát lũ, tưới tiêu…  Các đập và hồ chứa nước là những địa điểm tuyệt vời về du lịch, thư giãn với các môn thể thao nước... có thể hái ra tiền.

Nhưng thuỷ điện cũng đầy khuyết tật. Thuỷ điện phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái ở cả thượng lưu và hạ lưu của đập. Các cuộc “hành quân” tái định cư gây những tổn thất vật chất và cả tinh thần to lớn khó tính ra con số tiền bạc cụ thể. Có trường hợp thuỷ điện chôn vùi cả một nền văn hoá dưới lòng hồ. Hiệu ứng nhà kính cũng không “tha” cho thuỷ điện do phát thải methanol. Và đặc biệt nhất, một số đập thuỷ điện trên thế giới đã từng gây ra thảm hoạ kinh khủng đối với con người chẳng kém những vụ nổ nguyên tử, như sự cố tràn Đập Vajont (nước Ý) năm 1963, đặc biệt thảm hoạ vỡ Đập Bản Kiều, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) năm 1975…

Vì những lẽ đó, trên thế giới và cả ở nước ta, rất đông đảo người ủng hộ nguồn điện năng này bằng “cả hai tay”. Và cũng không ít người “hô đả đảo” khản cổ họng.

Có thể nhìn thấy trạng thái này qua các dự án thuỷ điện đang ồn ào trong dân chúng, trên phương tiện truyền thông và cả ở những diễn đàn hội nghị, Dự án Sông Tranh 2 và Đồng Nai 6, 6A.

Sông Tranh 2 "nổi giận"

Dự án Sông Tranh 2 đã hoàn thành giai đoạn xây dựng, đang bước vào khâu thử nghiệm vận hành. Dự án đã chi đến hơn 5.000 tỉ đồng, sẵn sàng tích nước đến 700 triệu m3 để hoà 200 mêga-oat (MW) công suất điện (gần bằng 1/5 công suất một lò phản ứng hạt nhân năng lượng trung bình) vào lưới điện quốc gia.

Bỗng xảy ra những sự cố động trời. Bắt đầu là nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó liên tiếp xảy ra trên dưới 70 trận động đất, mạnh nhất đến 4,7 độ rich-te. Dân chúng hoảng loạn và có lúc giận dữ. Đứng trước tình hình này, xuất hiện gần như hai phía với hai luồng quan điểm khác nhau đối với Dự án Thuỷ điện Sông Tranh 2.

Một phía là những cơ quan, những người có trọng trách ở những mức độ khác nhau đối với công trình Nhà máy. Đó là phía chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng công trình, là các nhà thầu (gồm cả nhà thầu tư vấn, thiết kế, nhà thầu tổ chức cung cấp số liệu đầu vào...), chủ đầu tư và các tổ chức tư vấn khác có liên quan. Đứng mũi chịu sào ở phía này là chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Quan điểm của họ là vừa đương đầu giải quyết và đáp ứng với những đòi hỏi bức bách của dân chúng, của chính quyền địa phương, vừa cố gắng khắc phục các khiếm khuyết sai sót từ chọn địa điểm. điều tra thiết kế đến xây dựng theo tinh thần còn nước còn tát để có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Phía ngược lại gồm phần lớn dân chúng trong vùng, các cấp chính quyền địa phương; từ xã, huyện đến tỉnh và cả nhiều đại biểu quốc hội. Có sự tham gia của cả một số chuyên gia ở các viện chuyên ngành liên quan ở trung ương.

Luồng quan điểm của họ theo chiều hướng bi quan, phản đối với mức độ quyết liệt khác nhau, từ đề nghị chưa tích nước đến phải tháo hết nước, từ đòi hỏi điều tra đánh giá mọi mặt về sự bền vững của công trình đến xoá bỏ lập tức dự án này, tức vĩnh viễn không còn Nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2 nữa.

Sự cọ xát giữa hai phía, giữa hai quan điểm khác nhau chưa ngã ngũ. Phía ủng hộ dựa trên sức nặng của nhà máy gần như hoàn chỉnh với chi phí số tiền đến 7.000 tỷ đồng lấy từ tiền thuế của người dân và chỉ cần lệnh bấm nút là có thể phát ra 200 MW điện. Nhưng phía phản đối có đối trọng không kém tính bằng sinh mệnh hàng chục ngàn dân sẽ lâm nguy nếu sự cố đập xảy ra. Sự bất phân thắng bại trên còn phải kéo dài, phải đợi, sớm nhất cũng đến khi sự giận dữ của “thổ thần” nguôi ngoai, các đợt rung chấn mạnh dừng hẳn. 

Sông Đồng Nai “dậy sóng”

Các nhà khoa học khảo sát tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Những tưởng sau các dự án thuỷ điện trên dòng sông nổi tiếng của miền đông Nam Bộ, Đồng Nai 1, 2, 3, 4 và 5 được thực hiện yên ả, nay đến lượt Dự án Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A cũng sẽ trôi chảy êm xuôi. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.

Dự án kép này gồm hai bậc, ĐN 6 với công suất 135 MW và ĐN 6A với 106 MW. Đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị, nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt về việc đánh giá tác động môi trường nên dự án này vẫn còn tiếp tục nằm trên giấy. Nay gặp thời điểm nhạy cảm, bị kích động bởi cơn “rung chấn động trời” Sông Tranh 2, số phận của nó càng gian truân hơn.

Ở ĐN 6 và ĐN 6A, sự phân hoá  giữa hai phe còn rõ rệt hơn, sự khác biệt và mâu thuẫn giữa hai quan điểm càng gay gắt hơn.

Một bên là chủ đầu tư (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) và cơ quan được chủ đầu tư thuê làm báo cáo Tác động môi trường (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG Tp HCM). Và có thể còn những ai đó có lợi ích liên quan.

Quan điểm chủ đầu tư là bảo vệ cho bản thuyết minh dự án của mình, trong đó có báo cáo tác động môi trường. Họ còn đưa ra các phương án hạn chế tác động môi trường đến mức ít nhất, với cố gắng để dự án được triển khai ngay.

Bên kia là đa số dân chúng trong khu vực của dự án, chính quyền (UBND), Tỉnh uỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, và phần lớn công luận thể hiện trên các phương tiện truyền thông.

Quan điểm phía phản đối, theo lời Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai, như sau: Những lợi ích quá nhỏ bé của dự án không thể đánh đổi được sự mất mát quá lớn của môi trường, trước hết dự án xâm phạm trực tiếp đến Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, dự án nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới nên phải được UNESCO cho phép…

Sự cọ xát giữa hai quan điểm diễn ra gay gắt ở nhiều diễn đàn, nhiều hội thảo và cả các cuộc họp báo. Để chống đỡ, các ngôn từ như “tâm lý bầy đàn”, “lợi ích nhóm” được vận dụng tuỳ tiện để quy kết nhau. Mọi lý lẽ xem ra đã được dịp bày tỏ, chỉ chưa có kết luận nào được chính thức đưa ra.

Dù vậy, các nhà phân tích cũng đã hình dung được Dự án kép Đồng Nai 6 và 6A sẽ đi đến kết cục nào. Và nội dung của các hội thảo, công văn chính thức của chính quyền và ý kiến của đại biểu quốc hội địa phương hẳn đã nằm trên bàn của các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp, hoặc thẩm quyền cao nhất.

Bài toán khó chờ lời giải đúng

Thuỷ điện đã, đang và sẽ còn là một trong những cột trụ của nền công nghiệp điện nước ta. Hiện nay, thuỷ điện chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 (hay 32%) tống sản lượng điện quốc gia. Trong tương lai, dù có gia tăng điện than và sự đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới khác như phong điện, điện hạt nhân, tỷ lệ đó vẫn còn cao: năm 2020 là 19.6% và 2030 là 15,7%.

Vai trò càng quan trọng, sự quan tâm của các cơ quan thẩm quyền, của nhà nước càng đòi hỏi cao. Đặc biệt, về phương diện an toàn và tác động môi trường.

Mặc dù, sau Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, các nhà máy điện tương lai hầu hết là thuộc loại nhỏ và vừa với công suất phát điện từ vài trăm mega-oát trở xuống. Nhưng như Sông Tranh 2, dù xếp vào loại “vừa”, vậy mà đập và hồ chứa vẫn có thể  đe doạ hàng vạn dân chúng ở hạ lưu, có thể ví với một “bom nguyên tử” nổ chậm.

Dĩ nhiên, sống trên một hành tinh nhỏ nhoi như trái đất ở trong vũ trụ bao la, sợ hiểm nguy quá mức thì không thể sống được. Muốn tăng trưởng nền kinh tế, nâng mức sống con người, không thể không cần điện. Và khi chưa có nhiều điện gió, điện mặt trời thì phải dùng thuỷ điện và cả điện hạt nhân nữa, dù phải chấp nhận một độ rủi ro bất khả kháng.

Dù vậy, an toàn tính mệnh và đảm bảo môi trường cho cộng đồng vẫn phải đặt ở vị trí ưu tiên số 1.

Bài học của Sông Tranh 2 đang đánh thức lương tâm và trách nhiệm của các nhà đầu tư, các cơ quan chuyên môn về môi trường, các hội đồng thẩm định, hội đồng nghiệm thu, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cao nhất.

Và đặc biệt, các công trình quan trọng như thuỷ điện có mệnh hệ đến ngàn vạn con người không thể là nơi dung túng cho mọi lợi ích nhóm, mọi châm chước, qua loa, thiếu hiểu biết, tắc trách. Đã đến lúc, hệ thống luật lệ, quy tắc, quy phạm và sự phân công, phân nhiệm quản lý chắc hẳn sẽ phải được rà soát và hoàn chỉnh.

Trước mắt, không nên chần chừ lâu, bài toán sử dụng hay không Nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2 và câu hỏi chấp nhận hay chấm dứt Dự án Đồng Nai 6 và 6A phải sớm có lời giải và đáp số. Đây chính là “phép thử vàng” về năng lực và tính quyết đoán của cơ quan quản lý và niềm tin của người dân vào triển vọng thực thi chiến lược phát triển nguồn thuỷ điện trong Quy hoạch điện VII vừa được Chính phủ phê duyệt năm 2011 vừa qua.

Trần Minh