Khó khăn chồng chất

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn và giá thủy sản giảm.

Trong khi đó, cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, năm 2021 ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục với giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.

{keywords}
 

Thủy sản Quảng Ninh cũng chịu khó khăn chung của ngành cộng thêm tác động ngành du lịch “đóng băng” khiến nhà hàng đóng cửa, thủy sản không tiêu thụ được. Đồng thời, việc nhập khẩu hàng hóa là thủy hải sản đông lạnh của Việt Nam qua cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) và Động Trung (Trung Quốc) cũng làm giảm việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường này. Điều này khiến thủy sản Quảng Ninh ghi nhận lượng lớn tồn động. Thậm chí, giá thành thủy sản tại Vân Đồn giảm sâu, đứt gẫy chuỗi tiêu thụ khiến nhiều hộ nuôi trồng điêu đứng.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, năng lực sản xuất sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 60.652 tấn các loại. Trong khi đó, khả năng tiêu thụ qua các kênh truyền thống từ nay đến cuối năm 2021 ước tính khoảng 32.160 tấn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh xác định việc hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Tìm hướng tiêu thụ, đợi cơ hội bứt phá

Để đẩy mạnh tiêu thụ cho người dân trong tỉnh, hướng đi đầu tiên của Quảng Ninh là chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa. Ngay trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; triển khai các sự kiện tuần bán hàng nông sản, thủy sản trên những địa bàn đông dân cư, vận động người dân địa phương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Tỉnh Quảng Ninh còn tập trung kết nối giúp các đơn vị sản xuất đưa thủy sản vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh như GO!, MM Mega Market, Co.op mart, Vinmart, Masan…

Thích ứng với giai đoạn bình thường mới, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng đẩy mạnh triển khai các gian hàng bán thủy sản trên các sản thương mại điện tử, bán hàng qua các phương tiện điện tử như zalo, facebook, hội chợ trực tuyến... Như Tuần bán hàng trực tuyến sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh năm 2021 tại TP. Uông Bí thu hút 30 gian hàng tiêu chuẩn.

Nhiều DN cũng như sở, ban ngành đã chung tay “giải cứu” thủy sản Quảng Ninh. Sở GD&ĐT triển khai hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tỉnh Quảng Ninh tới các cơ sở giáo dục trong toàn ngành, đề nghị tăng cường sử dụng các sản phẩm thủy sản của tỉnh trong thực đơn ăn hàng ngày tại gia đình và bữa ăn bán trú của trẻ em, học sinh tại trường; Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị Bưu chính trong tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủy sản trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử…

{keywords}
 

Không chỉ hướng đến tiêu thụ nhất thời, thủy sản Quảng Ninh còn tìm hướng đi lâu bền bằng việc chú trọng chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tham gia chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời tỉnh còn là một trong những địa phương nỗ lực “gỡ thẻ vàng” cảnh cáo của Ủy ban châu Âu (EC) với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU bằng việc quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định tiếp tục mở rộng thị trường cho thủy sản bằng việc tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước đồng thời tổ chức kết nối, vận động các Công ty thủy sản trong tỉnh thu mua, chế biến các sản phẩm thủy sản để xuất khẩu, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN…

D. An