Theo Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), không phải tất cả các vụ tảo phát triển bùng nổ trong nước biển đều độc hại. Mực nước xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ cũng chỉ ở mức 2 mét bên dưới mặt nước biển, rất khó có thể tác động hàng loạt tới các loài cá ở tầng nước sâu.

Như đã đề cập, thủy triều đỏ thực chất là hiện tượng bùng nổ số lượng tảo gây hại ở trong nước.

{keywords}

Thủy triều đỏ làm thay đổi màu nước biển rõ thấy ở Florida, Mỹ. Ảnh: Wall Street OTC.

Theo Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), không phải tất cả các vụ tảo phát triển bùng nổ trong nước biển đều độc hại. Trong thực tế, hầu hết các vụ bùng nổ kiểu này lại có lợi, vì tảo là nguồn thức ăn đối với các động vật ở biển và đóng vai trò như nguồn cung cấp năng lượng trọng yếu, nuôi dưỡng chuỗi thức ăn trong đại dương.

NOAA cho biết, chỉ có một lượng nhỏ loài tảo sản sinh ra các độc tố mạnh, có khả năng giết chết cá, động vật có vỏ (gồm các loài giáp xác và các loài thân mềm), động vật biển có vú, chim cũng như có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bệnh ở người.

Tuy nhiên, thủy triều đỏ cũng có thể bao gồm cả sự bùng phát của các loài tảo không sản sinh chất độc tự nhiên, nhưng lại gây ra các ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp đến các hệ thống sinh thái biển. Chẳng hạn như, khi lượng lớn tảo chết đi và phân hủy, quá trình phân rã có thể làm suy giảm oxy trong nước, khiến nước chứa lượng oxy thấp đến mức các động vật hoặc phải rời bỏ khu vực đó hoặc chết vì thiếu dưỡng khí. Trong trường hợp này, hầu hết các loài động vật biển sẽ cùng hứng chịu hậu quả, chứ không chỉ một vài loài nhất định như cá lớn ở tầng nước sâu.

Hơn thế nữa, trong môi trường biển, tảo là loài thực vật phù du, thường xuất hiện tự nhiên ở các tầng nước bề mặt được chiếu sáng tốt, nên chúng thường chết trước khi tiếp cận được đáy biển và quá trình phân hủy hiếm khi xảy ra ở độ sâu hơn 1,8 mét so với bề mặt nước, theo trang wideopenspaces.com. Điều này đồng nghĩa, các sinh vật ở tầng nước bề mặt thường sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu thủy triều đỏ phát tác.

Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng cho rằng, kết luận một trong hai nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung do thủy triều đỏ là thiếu thuyết phục. Ông An nói, thủy triều đỏ đầu tiên là làm thay đổi màu sắc, cả mặt biển nhuộm đỏ hoặc sẫm và mắt thường có thể nhìn thấy. Vệ tinh hoàn toàn có thể ghi được hình ảnh.

Mặt khác, khi xảy ra hiện tượng này, nước biển bốc mùi hôi thối do tảo chết. Nếu xảy ra hiện tượng này thì thời gian qua chính quyền lẫn người dân miền Trung đã nhìn thấy được. Song thực tế, họ chưa nhìn thấy biển biến đổi màu và cũng chưa có ai phản ánh mùi hôi thối của loài tảo chết.

Ở hoàn cảnh tương tự, để xác định được có đúng tại các vùng biển xuất hiện cá chết hàng loạt liên quan đến hiện tượng thủy triều đỏ hay không, chính quyền bang Texas, Mỹ từng phải phối hợp với NOAA cử các nhóm chuyên gia sinh vật học tới điều tra những khu vực khả nghi, lấy mẫu nước biển kiểm tra kết hợp phân tích dữ liệu hình ảnh vệ tinh cũng như kết quả thả thiết bị lặn thăm dò.

Phòng tránh tác hại của thủy triều đỏ

Trong trường hợp thủy triều đỏ bắt nguồn từ một số loại tảo độc, khi nở rộ, chúng sẽ sản sinh ra các chất độc tự nhiên trôi nổi trong nước. Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác tại sao những độc tố này lại được tạo ra, nhưng một vài trong số chúng chứng minh độc hại với các sinh vật biển. Một số chất độc này đủ mạnh để gây tê liệt hệ thần kinh trung ương của của các động vật biển, làm chúng suy yếu và chết.

Song, các chất độc tự nhiên khác do tảo thải ra môi trường có thể vô hại đối với những loài sống trong môi trường nước đó, kể cả các loài ăn tảo như cá con và động vật nhuyễn thể, nhưng chúng sẽ rơi vào tình trạng bị nhiễm độc. Chất độc sẽ tích tụ dần trong cơ thể các sinh vật này tới một mức độ độc hại, thậm chí có thể gây tử vong đối với những sinh vật lớn hơn ăn thịt chúng, bao gồm cả cá, động vật biển có vú và chim. Mỹ và một số nước trên thế giới từng ghi nhận tình trạng cá chết hàng loạt và nhiều động vật biển có vú bị mắc bệnh hoặc mất mạng do ăn phải động vật có vỏ bị nhiễm độc trong các đợt bùng phát thủy triều đỏ.

Thủy triều đỏ nhìn chung không phải là hiện tượng đe dọa tính mạng của con người. Song, ở những nơi thủy triều đỏ xuất hiện ven bờ và gió cuốn theo các hạt độc tố của chúng vào không khí, đưa vào đất liền, chúng có thể tạo ra các tác nhân gây bệnh hô hấp khó chịu cho người, dẫn đến các triệu chứng như ho, hắt hơi hoặc chảy nước mắt.

Các ảnh hưởng này nhìn chung mang tính tạm thời và thường biến mất trong vòng vài tiếng đồng hồ khi người rời khỏi bãi biển, chấm dứt việc tiếp xúc tác nhân gây bệnh từ thủy triều đỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ rõ, những người mắc các chứng bệnh hô hấp nặng như khí thũng hoặc hen suyễn cần phải đặc biệt cẩn trọng, tránh xa những khu vực xuất hiện thủy triều đỏ.

Theo các chuyên gia, mọi người cũng cần thận trọng khi tắm biển ở những nơi có thủy triều đỏ vì việc đó an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng một số đối tượng có thể cảm thấy kích ứng da và ngứa mắt. Nếu có da nhạy cảm hoặc trải nghiệm bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào trong số này, mọi người được khuyên rời khỏi nước biển ngay lập tức và tắm rửa kỹ lại bằng nước sạch. Việc bơi gần cá chết cũng không tốt do chúng thường đi kèm với nhiều vi khuẩn độc hại.

Do nhiệt không thể tiêu diệt được độc tố của tảo khi đun nấu, nên mọi người cũng được khuyến nghị không nên ăn cá hoặc các loại hải sản chết bất thường khác ở vùng biển xuất hiện thủy triều đỏ.

Tuấn Anh (Tổng hợp)