- Các chuyên gia cho rằng, thủy triều đỏ khó có thể là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực ven biển miền Trung.
Cá chết hàng loạt dọc các tỉnh miền Trung được Bộ TNMT giải thích là do hiện tượng thủy triều đỏ. |
Ngày 27/4 đã có kết luận sơ bộ về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung trong thời gian qua. Theo đó, hai nhóm nguyên nhân được xác định là độc tố hóa học và thủy triều đỏ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thủy triều đỏ khó có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt như vừa qua.
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng, nếu kết luận cá chết là do thủy triều đỏ thì khó có thể giải thích được vì sao cá chết tại ven biển miền Trung trong thời gian qua chủ yếu là cá ở các tầng nước sâu.
"Thủy triều đỏ chỉ có tác động trên mặt nước chứ không diễn ra ở tầng nước sâu", TS Tề khẳng định. "Thêm nữa, giả sử như cá chết vì thủy triều đỏ thì cả vùng biển miền Trung phải ô nhiễm rất nặng thì tảo mới có thể phát triển và gây ra hiện tượng thủy triều đỏ được".
Do đó, TS Tề cho rằng, nếu kết luận là cá chết vì thủy triều đỏ thì cũng đồng nghĩa với việc không kết luận vì rất chung chung. "Cần phải xác định rõ trước khi xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ thì vùng biển này đã bị ô nhiễm từ nguồn nào, ô nhiễm hữu cơ hay ô nhiễm hóa học", TS Tề nói.
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng Cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT cho rằng, trên thế giới, hiện tượng cá chết hàng loạt vì hiện tượng thủy triều đỏ có rất nhiều.
Ông Ca cho hay, từ đầu năm tới nay, trên thế giới xảy ra 30 vụ cá chết hàng loạt, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do sự bùng phát của tảo độc, nguyên nhân thứ 2 là do cạn kiệt oxy và nguyên nhân do độc tố vô cơ rất ít.
Cũng theo ông Ca, một số hình ảnh chụp từ vệ tinh của khu vực vùng biển miền Trung cũng cho thấy một số vùng, trong một số ngày xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ. Tại một số lồng bè nuôi cá bị thủy triều đỏ tràn vào khiến cá chết. "Có nơi, theo quan sát của người dân thủy triều đỏ chỉ cách bờ khoảng 100m", ông Ca tiết lộ.
Các chuyên gia khoa học cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ khó có thể làm chết các loài cá ở tầng nước sâu. |
Tuy nhiên, ông Ca lại cho rằng, nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung vừa qua là do hiện tượng cạn kiệt oxy ở tầng nước dưới chứ không phải do thủy triều đỏ.
"Thực tế, thủy triều đỏ chỉ có tác dụng trên mặt nước thôi. Thủy triều đỏ trên thế giới khiến các loài cá nước mặt chết nhiều. Nhưng thực tế thì ở vùng biển miền Trung cá mặt không chết nhiều", ông Ca cho hay.
Theo ông Ca phân tích, hiện cạn kiệt oxy thường xảy ra khi chuyển mùa. Trong toàn bộ mùa đông lượng chất thải hữu cơ từ nơi khác (từ bờ thải ra, hoặc từ miền bắc xuống), có thể tích lũy ở ngoài khơi biển Hà Tĩnh.
Khi tới mùa xuân, nhiệt độ nước biển tăng lên thuận lợi cho quá trình phân hủy chất thải hữu cơ. Khi phân hủy thì sử dụng rất nhiều oxy. Nhiệt độ nước biển tăng lên thì hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm đi. Hai nguyên nhân này kết hợp khiến oxy tầng dưới sâu bị cạn kiệt và là nguyên nhân khiến cá ở tầng sâu chết.
Ông Ca cũng cho rằng, thủy triều đỏ nếu có thì chỉ góp phần vào quá trình làm cạn kiệt oxy ở tầng lớp dưới do vào ban đêm tảo cũng hấp thụ oxy.
Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng phòng Sinh vật phù du, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khẳng định, với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thủy triều đỏ, ông khẳng định, thủy triều đỏ vẫn có thể khiến cá ở các tầng nước sâu chết.
Theo GS Lâm, sự nở hoa của tảo diễn ra ở tầng mặt nhưng đến cuối giai đoạn, thì tảo chết lặng xuống tầng đáy, che phủ cả bề mặt đáy làm cho môi trường tầng đáy thiếu hụt oxy trầm trọng. Khi thiếu hụt oxy, toàn bộ sinh vật tầng đáy chết hết.
GS Lâm cho hay, hiện tượng thủy triều đỏ gây ra cá chết hàng loạt rất phổ biến và ở vùng biển Bình Thuận năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, GS Lâm cho biết, hiện ông chưa có đủ thông tin để đưa ra ý kiến của mình về việc thủy triều đỏ có phải là nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung hay không.
Theo phân tích của GS Lâm, nếu có hiện tượng thủy triều đỏ thì nó chỉ làm cá chết ở một vùng nhất định sau đó các dòng hải lưu đẩy vào các vùng biển khác chứ không thể nào diễn ra trên một vùng bờ biển dài tới vài trăm kilomet như vậy được.
Ông Lâm cũng đặt ra giả thuyết, loài tảo ở vùng biển Việt Nam có thể giống với loài tảo ở vùng biển Mexico, Florida của Mỹ. "Loài tảo này chứa một độc chất thần kinh rất mạnh có thể khiến cá tê liệt và chết", GS Lâm cho hay.
Theo GS Lâm, tới thời điểm hiện tại, do sự việc đã xảy ra khá lâu rồi nên rất khó xác định thủy triều đỏ có xảy ra ở vùng biển miền Trung hay không và có phải là nguyên nhân gây cá chết hay không. Ông cho biết, một số cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang đã tới vùng biển Vũng Áng để lấy mẫu và chỉ có thể đánh giá được khi xem trực tiếp mẫu.
Lê Văn