Tăng cường tín dụng cho nền kinh tế

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Chính phủ, đến ngày 31/7/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,57%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm (năm 2019 hơn 984 nghìn tỷ, năm 2020 hơn 997 nghìn tỷ, năm 2021 hơn 1,25 triệu tỷ, năm 2022 gần 1,5 triệu tỷ đồng - đây là số tín dụng tăng thêm ròng).

Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cung ứng vốn ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần.

Cụ thể: Năm 2019 doanh số cấp tín dụng toàn hệ thống khoảng 13,2 triệu tỷ đồng; năm 2020 là 14,3 triệu tỷ đồng; năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Người dân, doanh nghiệp đều cần vốn cho sản xuất. 

Điều này thể hiện hệ thống ngân hàng đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ trung gian cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế phần lớn nhờ vào việc tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện thu nợ cũ để cho vay mới.

Số liệu thu nợ năm 2019 là 12,2 triệu tỷ đồng; năm 2020 là 13,7 triệu tỷ đồng; năm 2021 là 16,2 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 18,2 triệu tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 gần 9,6 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại Nhà nước phát huy vai trò quan trọng

Theo báo cáo của NHNN, dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại nhà nước là 5,937 triệu tỷ đồng, tăng 4,46% so với cuối năm 2022, chiếm 47,54% tổng dư nợ nền kinh tế.

Còn tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 5,525 triệu tỷ đồng, tăng 5,9%, chiếm 44,24%.

Tín dụng của nhóm tổ chức tín dụng nước ngoài là 614 nghìn tỷ đồng, tăng 1,56%, chiếm 4,92%.

Tín dụng của nhóm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 254 nghìn tỷ đồng, giảm 2,53%, chiếm 2,04%.

Tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân là 158 nghìn tỷ đồng, giảm 0,78%, chiếm 1,26% dư nợ nền kinh tế.

Phân theo ngành kinh tế, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 912 nghìn tỷ đồng (tăng 2,47%, chiếm 7,3%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng (tăng 4,76%, chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,96%, chiếm 66,7%).

Kết quả cấp tín dụng theo loại hình kinh tế cho thấy: Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhà nước đạt 406.344 tỷ đồng, giảm 3,71% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 3,25% tổng dư nợ nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng doanh nghiệp tư nhân đạt 5.494.910 tỷ đồng, tăng 7,27%, chiếm tỷ trọng 44%.

Dư nợ tín dụng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 455.661 tỷ đồng, tăng 7,74%, chiếm tỷ trọng 3,65%.

Dư nợ tín dụng đối với Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đạt 6.232 tỷ đồng, giảm 1,33%, chiếm tỷ trọng 0,05%.

Dư nợ tín dụng đối với Hộ kinh doanh, cá nhân đạt 5.971.998 tỷ đồng, tăng 2,19%, chiếm tỷ trọng 47,82%.

Dư nợ khác đạt 152.767 tỷ đồng, tăng 43,62% và chiếm tỷ trọng 1,22% tổng dư nợ nền kinh tế.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% dư nợ nền kinh tế.

NHNN cho biết: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NH Chính sách Xã hội đạt 304.430 tỷ đồng, tăng 7,44% so với tháng 12/2022 với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 33.121 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 41.352 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 44.541 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên đạt 12.529 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 24.264 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 52.994 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 70.829 tỷ đồng.

NHNN khẳng định sẽ bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ;

NHNN cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; duy trì thanh khoản dồi dào nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi nhất là thời điểm cuối năm; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cưởng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV