Giáo dục tích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về kiến thức, hình thành kĩ năng và phát triển năng lực của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới. Điểm nổi bật nhất của dự thảo chương trình là giáo dục Việt Nam trong thời gian tới đặt mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà giáo dục đã đề xuất nhiều biện pháp thực hiện khác nhau, trong đó dạy học tích hợp là một trong những biện pháp mới được thực hiện trong cả chương trình và nhiều môn học.

Theo dõi các ý kiến gần đây trên thông tin đại chúng, tôi thấy nhiều người còn phân vân về dạy học tích hợp; liệu thay đổi này có phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục Việt Nam, với đội ngũ giáo viên và khả năng tiếp nhận của học sinh. Là người đã có thời gian học tập tại Hàn Quốc và hiện nay là giảng viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi xin trao đổi những hiểu biết của mình về vấn đề này. 

{keywords}
 Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước hết, dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. Dạy học tích hợp có nhiều hình thức khác nhau như tích hợp không tạo nên môn học mới và tích hợp tạo nên môn học mới; tích hợp xuyên môn, đa môn, liên môn và nội môn.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, các nhà giáo dục đã nhấn mạnh tới hình thức dạy học tích hợp là hoàn toàn khách quan và phù hợp thực tiễn, không chỉ với định hướng giáo dục phát triển năng lực người học mà còn là cơ sở thuận lợi cho việc lồng ghép các môn học với nhiều nội dung giáo dục khác như giáo dục công dân, sức khỏe, môi trường, biến đổi khí hậu... Giáo dục tích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về kiến thức, hình thành kĩ năng và phát triển năng lực của học sinh.

Trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật và hiện tượng là một thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở một khía cạnh nhất định. Khi giải quyết một vấn đề của tự nhiên thì không chỉ cần tới một khía cạnh nào mà cần kiến thức tổng hợp, cần sự tích hợp của nhiều kiến thức khác nhau.  Như chúng ta đã biết, tính thống nhất trong giáo dục khoa học tự nhiên được thể hiện ở cả đối tượng, phương pháp nhận thức, những nguyên lý và khái niệm cơ bản.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học tích hợp được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Ở cấp tiểu học, môn học có tên Tìm hiểu tự nhiên, lên cấp trung học cơ sở phát triển thành môn Khoa học tự nhiên; ở cấp trung học phổ thông, khoa học tự nhiên được chia ra thành các môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học. Như vậy, xu hướng tích hợp trong chương trình giáo dục mới của chúng ta lần này là tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên. Đây cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới, trong đó có nhiều nước giáo dục phát triển.

Trên thế giới có nhiều nước dạy môn “Khoa học tự nhiên” thay cho dạy học 3 môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học. Nội dung kiến thức của 3 môn học này liên kết với nhau thông qua các nguyên lý và khái niệm chung của khoa học tự nhiên. Các nguyên lý này được ví như là những “chất keo” kết dính các trục nội dung lại với nhau. Bên cạnh đó chương trình tích hợp còn thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp  như chủ đề về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên... Với khoa học xã hội, nội dung lịch sử và địa lý, giáo dục công dân và văn học có nhiều điểm chung sẽ tạo điều kiện cho dạy học tích hợp. Bất kỳ một sự kiện lịch sử nào diễn ra cũng cần được xem xét trong một bối cảnh cụ thể về không gian và thời gian nhất định. Những môn tưởng chừng đứng riêng rẽ như Toán học, Văn học, nhưng là môn công cụ, nên Toán học và Văn học cũng được tích hợp trong nhiều môn học khác, theo mô hình tích hợp đa môn và xuyên môn.

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố đã thể hiện tinh thần tích hợp thông qua hệ thống các môn học, mô tả tóm tắt nội dung và yêu cầu cần đạt của từng lĩnh vực giáo dục, ở từng cấp học. Tuy nhiên, dạy học tích hợp chủ yếu sẽ được thể hiện rõ ràng, theo đúng lý luận phương pháp dạy học và yêu cầu của dạy học tích hợp trong từng chương trình môn học và sẽ được công bố sau một thời gian nữa.

Theo tôi, trong chương trình giáo dục phổ thông lần này, dựa trên năng lực của giáo viên, kinh nghiệm viết sách giáo khoa và giáo dục nhiều năm của đội ngũ nhà giáo trong nước, chúng ta nên chọn hình thức tích hợp liên môn. Tích hợp liên môn với các mức độ tích hợp khác nhau sẽ không làm xáo trộn đội ngũ giáo viên hiện tại mà vẫn đạt được mục tiêu của giáo dục. Hiện nay nhiều nước trên thế giới thực hiện tích hợp liên môn thành công, là cơ sở để học tập kinh nghiệm.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội