Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đưa ra nhận định quan ngại về việc tiền mã hóa Libra của Facebook sẽ gây trở ngại với đồng đô la Mỹ. Họ đang yêu cầu phía Facebook ngừng dự án này.
Cụ thể, chính phủ Mỹ yêu cầu Facebook ngay lập tức dừng tất cả mọi hoạt động liên quan tới việc phát triển Libra cho đến khi họ đủ thời gian để kiểm chứng và đưa ra các luật liên quan. Thông báo này được gửi đến Facebook từ một nhóm các nhà lập pháp của Ủy ban Dịch vụ Tài chính.
Bà chủ tịch Maxin Waters, một thành viên Đảng Dân chủ ở California, đã gợi ý đặt ra một lệnh ngừng phát triển tạm thời đối với Libra ngay khi đồng tiền ảo này lần đầu tiên được công bố. Yêu cầu mới với Facebook cho thấy chính phủ Mỹ đang tiếp tục gây áp lực với kế hoạch tiền mã hóa của Facebook, điều mà các nhà lập pháp ở nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét.
Các nhà lập pháp đang đề nghị tổ chức một phiên tòa công khai về “những rủi ro và lợi ích từ hoạt động liên quan đến tiền ảo, giải pháp bằng luật”.
David Marcus, người đứng đầu dự án Libra của Facebook phát biểu: “Cá nhân tôi xin cam kết rằng chúng tôi sẽ dành thời gian giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn”.
Không chỉ các cơ quan chính quyền, các nhà đầu tư liên quan khác cũng đang gây áp lực lớn lên Facebook. Hơn 30 tổ chức đã gửi yêu cầu tương tự đến Facebook vào tuần trước. Họ cho rằng Hoa Kỳ và hệ thống pháp lý của các nước khác chưa sẵn sàng đặt ra những câu hỏi để hiểu rõ về vấn đề chủ quyền đất nước, sức mạnh liên kết và cách bảo vệ người dùng cùng nhiều rắc rối khác khi dự án này được công bố.
Trong khi Facebook đang tiếp tục phát triển đồng Libra, loại tiền mã hóa này hiện được quản lý bởi một liên hiệp độc lập gồm nhiều công ty khác và một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Geneva.
Facebook công bố dự án đồng Libra vào hồi tháng 6 vừa qua. Họ dự kiến nó sẽ trở thành một loại tiền kỹ thuật số ổn định và được chấp nhận trên toàn thế giới. Đồng thời, Libra được mong chờ sẽ xâm nhập vào các dịch vụ tai chính trên thế giới và khiến cho việc giao dịch tiền trực tuyến trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, Facebook và các công ty khác có thể xây dựng nên các ứng dụng và phần bổ trợ vào nền tảng hiện có để người dùng có thể kiếm và quản lý Libra.
Tuy nhiên, chính độ lớn mạnh và tầm ảnh hưởng của Facebook đã góp phần khiến dự án này nhận được các yêu cầu tạm ngừng chính thức từ nhiều phía. Facebook sở hữu tới 2,4 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Bối cảnh một lượng lớn người dùng sẽ sớm được tiếp cận với một đồng tiền vẫn còn chưa chịu bất kỳ quy định chính thức nào khiến các nhà lập pháp e ngại.
Không những thế, Facebook từng có tiền lệ với những rắc rối xung quanh việc bảo mật dữ liệu và sự riêng tư của người dùng. Mặc dù Facebook đã công bố sách trắng về chi tiết kế hoạch Libra, các nhà luật pháp nói nó chỉ cung cấp một chút thông tin về mục đích, vai trò, ứng dụng tiềm năng và bảo mật của đồng Libra. Yêu cầu gửi đến Facebook có viết: “Nếu sản phẩm hay dịch vụ như Libra không tuân theo một bộ luật cụ thể và sự kiểm soát chặt chẽ, chúng sẽ ẩn chứa nhiều mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ và toàn cầu”.
Ủy ban ngân hàng thượng viện và Ủy ban dịch vụ tài chính Mỹ đã lên lịch cho buổi điều trần vào cuối tháng này để xem xét hệ quả của Libra tới hệ thống tài chính và quyền riêng tư của người dùng. Ủy viên ban quản trị của Facebook, Marcus sẽ có mặt tại buổi điều trần.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ 4 vừa qua, Marcus nói rằng Facebook đã có ý định công bố kế hoạch Libra sớm hơn để các nhà lập pháp, lãnh đạo các nước và các công ty khác có được thông tin rõ ràng hơn về kế hoạch này.
Trong bức thư gửi tới các nhà lập pháp, Marcus đã đưa ra những bằng chứng cho thấy những lợi ích tiềm năng của Libra.
“Chúng tôi hiểu rằng một ý tưởng lớn cần nhiều thời gian, các nhà lập pháp thì đang đặt ra nhiều nghi vấn, chúng tôi cũng không thể làm việc này một mình. Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác của chính phủ, ngân hàng trung ương, các nhà lãnh đạo, tổ chức phi lợi nhuận và các cổ đông. Facebook trân trọng tất cả những ý kiến đóng góp”, Marcus nói trong thư. Thế nhưng, ông cũng không đề cập đến yêu cầu hoãn dự án Libra từ phía các nhà lập pháp.
Trong bài viết trên Facebook của mình, Marcus cho rằng Libra có thể giúp ích trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền và sự đầu tư tài chính cho các nhóm khủng bố. Lãnh đạo các nước từng lo ngại Libra có thể được sử dụng cho các hoạt động tài chính phi pháp - vấn đề mà nhiều đồng tiền ảo gặp phải. Facebook tuyên bố họ đã phát triển một quá trình xác minh danh tính của người dùng tiền Libra trên nền tảng này để ngăn chặn những rủi ro trên.
Giám đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây rằng Facebook đã bắt đầu bàn bạc với Cục về kế hoạch của họ.
Giáo sư tại Viện Tài chính Columbia và chuyên gia tiền ảo, R.A. Farrokhnia cho rằng các nhà lập pháp chỉ trích đồng Libra đang đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. Ông nói rằng họ phản ứng quá chậm chạp trước tốc độ phát triển nhanh chóng của tiền ảo, mặc dù tiền ảo đã xuất hiện gần một thập kỷ. Việc ban hành luật không thể theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Phía bên kia địa dương, các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng tỏ ra quan ngại với Libra. Bộ trưởng tài chính Bruno Le Marie kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước G7 cần soạn thảo một bộ quy định liên quan tới Libra trước cuộc gặp của nhóm này vào tháng 8 tới.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị G20 vừa qua cũng nói rằng họ đang theo sát sự phát triển của tiền ảo và tỏ ra thận trọng với những vấn đề đang tồn tại và sẽ xảy ra trong tương lai của tiền ảo.