- Ngày gặp mặt hai bên gia đình, ông trưởng họ nhà tôi bảo phong tục ở làng, nhà trai phải dẫn cưới từ 25-30 triệu cộng với 5 lễ hỏi. Song, khi biết được tục lệ dẫn cưới của nhà gái, phía nhà trai nhảy cẫng lên rồi về nhà gọi điện thoại cho nhà gái mặc cả tiền dẫn cưới như thể đi mua rau ngoài chợ...

Sau khi lấy chồng được 3 năm nhưng cứ nhắc đến chuyện tiền dẫn cưới mà đến giờ tôi vẫn còn đỏ mặt vì mẹ chồng tôi hồi đó cứ than tiền dẫn cưới nhiều, rồi mặc cả lên mặc cả xuống.

Tôi sinh ra ở Phú Thọ, lấy chồng quê ở Hà Nam đã được gần 2 năm nay nhưng tôi không thể quê được cái ngày mẹ chồng tôi gọi điện thoại cho tôi nói rằng tiền dẫn cưới 25-30 triệu đồng thì cao quá nên có khi nhà trai chỉ dẫn cưới 10 triệu đồng.

Mẹ chồng tôi tâm sự: “Mẹ điện cho các bác nói ở trên đó có tục dẫn cưới 25-30 triệu đồng, các bác bảo đúng rồi, lấy vợ cho con trai ở đâu thì phải theo phong tục ở đó và các bác bảo nếu nhà không có tiền thì các bác cho vay chứ không được dẫn cưới với số tiền ít hơn người ta nói. Nhưng mẹ nghĩ rồi, mẹ nghĩ chỉ dẫn cưới 10 triệu là đủ”. Sau khi tâm sự với tôi, thấy tôi ậm ừ bảo tùy hai gia đình, ngay lập tức mẹ chồng tôi điện thoại lên để nói chuyện với bố mẹ đẻ của tôi về chuyện tiền dẫn cưới. Thế là bố tôi cũng ừa thì tùy tâm nhà trai, gánh bao nhiêu cũng được chứ bố tôi không phải là đem gả bán con gái mà mặc cả lên mặc cả xuống.

Đến ngày ăn hỏi, nhà trai dẫn đúng 5 lễ theo yêu cầu của nhà gái, bên trong có kèm cái phong bì dẫn cưới nhưng thay vì 10 triệu thì phong bì chỉ có 9 triệu đồng bởi mẹ chồng tôi giải thích rằng để con số lẻ cho may mắn. Lúc đó, thay vì để trưởng họ bóc phong bì, bố tôi phải nhanh tay túm lấy cái phong bì cất đi vì ngại bởi số tiền trong phong bì không giống với con số mà vị trưởng họ yêu cầu, sợ họ hàng, làng xóm lại đàm tiếu cười chê.

{keywords}

Mẹ chồng “chỉ thị” rằng chuyện tiền gánh cưới tuyệt đối không được nói với ai. (Ảnh minh họa)

Đám hỏi vừa xong, tôi đã nhận được điện thoại của mẹ chồng “chỉ thị” rằng chuyện tiền gánh cưới tuyệt đối không được nói với các bác bên chồng bởi các bác không đồng ý cho làm thế, kể cả với bố chồng tôi tôi cũng không được hé răng nói đến chuyện tiền thách cưới. Nghe xong tôi mới vỡ lẽ ra, từ đầu đến giờ, tất cả mọi chuyện đều là chủ đích của mẹ chồng tôi còn những người khác thì chẳng ai hay biết gì.

Chưa hết, đến ngày cưới, mẹ chồng tôi cho tôi một chỉ vàng gọi là cho hai vợ chồng tôi chút vốn liếng theo phong tục. Ấy thế mà chưa đầy một tháng, mẹ chồng tôi lại hỏi vay lại chính chỉ vàng đó nói là cần dùng đến. Tôi và chồng tôi vui vẻ đưa cho và bảo mẹ chồng tôi không cần trả lại vì chỉ vàng đó đằng nào cũng là vàng của mẹ chồng tôi cho.

Nói thật, nhà tôi cũng chẳng phải dạng nghèo, thậm chí còn có của ăn của để hơn nhà chồng tôi, nhưng nhà chồng tôi cậy đã mua nhà được cho con ở Hà Nội suốt ngày nói nhà tôi ở dân tộc. Giờ có con rồi mà mẹ chồng tôi nhiều khi còn bảo: “Nhà con ở gần núi, nhà dân có nhiều không” hay “Hôm nay hai đứa về tộc (tức về nhà bố mẹ đẻ của tôi) chơi à”.

Tôi nghe mãi thành quen, lại phận làm dâu nên chẳng dám nói gì nhưng bố chồng tôi không chịu được kiểu nói như vậy nên thường bảo “Nhà bà đã giàu bằng nhà người ta chưa mà nói dân tộc. Dân tộc người ta là thành phố ở nhà 2-3 tầng, còn nhà bà đồng bằng thẳng cánh cò bay mà cái nhà cũng không ra hồn còn chê”. Những lúc bị nói như vậy mẹ chồng tôi chỉ cười trừ, lờ đi như không nghe thấy gì.

Đến giờ này, khi tôi và em gái chồng cùng sinh con, mẹ chồng tôi chọn lên bế con cho em chồng tôi thay vì bế con hộ vợ chồng tôi với lý do hai vợ chồng đứa em nó trả lương 3 triệu đồng/tháng cho, còn nếu bế con cho vợ chồng tôi thì không được gì. Tuy nhiên, các bác bên nhà chồng tôi hỏi thì mẹ chồng tôi chối bay, chỉ nói do em gái chồng tôi sinh con trước, mẹ chồng tôi lên bế trước, còn tôi sinh sau thì chịu thiệt.

Trải qua những chuyện như thế, chồng tôi cũng chỉ biết an ủi rằng tính mẹ chồng tôi vậy, cả nhà ai cũng biết nên khuyên tôi bỏ qua. Tôi thì cũng tặc lưỡi cho qua chuyện vì cả năm mới về quê chồng được 2-3 lần, mỗi lần được vài ngày là nhiều nên cố nhịn cho chồng vui vẻ, gia đình hòa thuận.

Phương Chi