Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống mua bán người...

W-muaban nguoi.jpg
Tiền Giang sẽ thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. 

Phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người; bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố…

Tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành số 478/QCPH-SLĐTBXH-VPUBND-CA-BĐBP (09/3/2023) giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh - Công an tỉnh - Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân của họ theo quy định của pháp luật. Tư vấn, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; rà soát, sàng lọc, phân loại công dân do nước ngoài trao trả. 

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, học nghề và tìm việc làm...

Nghiên cứu, thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Dự kiến năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức các hội thảo tham vấn tăng cường khả năng kết nối, tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. 

Tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các sở, ngành, địa phương trong tỉnh với các sở, ngành, địa phương địa bàn giáp ranh trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. 

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là nạn nhân bị mua bán, người có khó khăn về tài chính để kịp thời trợ giúp pháp lý miễn phí, hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Quỳnh Nga