- Một thời giáo dục lấy tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo đã đi qua từ rất lâu, nhiều quan điểm về giáo dục của Nho giáo vẫn còn giữ nguyên giá trị, thế nhưng cũng có những quan điểm cần phải đánh giá lại một cách toàn diện hơn trong bối cảnh mới. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là một trong số đó.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

“Lễ” và “văn” là hai phạm trù quan trọng trong học thuyết về giáo dục của Nho giáo, mà tiêu biểu là quan niệm của Khổng Tử. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo ở hầu hết các trường tiểu học và trung học trên cả nước hiện nay, vốn dĩ được rút gọn từ một câu nói của Khổng Tử.

Ảnh có tính chất minh họa

Chính lễ góp phần tạo nên kỉ cương

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là do người Việt Nam đúc kết nên trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Tương đồng với quan điểm trước tiên cần chú trọng giáo dục đạo đức phẩm chất, sau đó mới chú trọng giáo dục tri thức tự nhiên và xã hội, ở Trung Quốc, người ta thường dùng các mệnh đề “Tiên tác nhân, hậu tác sự” (Trước tiên phải học làm người, sau đó mới học làm việc) hay “Bất học lễ, vô dĩ lập” (Không học lễ, không làm nên gì cả)…

Thiên Học nhi trong Luận ngữ có dẫn lại lời của Khổng Tử bàn về vấn đề học “văn” và học “lễ”: “Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” (Các học trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài phải kính trọng bậc sư trưởng, cẩn thận mà giữ gìn uy tín, yêu quý mọi người, thân cận với người nhân đức.

Làm được những việc trên, nếu còn dư sức, thì hãy học tập tri thức văn hóa). “Hiếu”, “đễ”, “tín”, “ái”, “nhân” được nhắc đến ở đây là đại diện cho những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Rõ ràng, theo quan niệm của Khổng Tử, đạo đức là nền tảng để làm người, mọi tri thức học vấn phải được xây dựng trên nền tảng của đạo đức. Từ quan điểm đó, người Việt ta mới đúc kết nên kinh nghiệm “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Cần phải thấy rằng, quan niệm về “lễ” của Nho giáo giai đoạn đầu hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Thiên Nhan Uyên trong Luận ngữ có thuật lại cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và Nhan Uyên về “lễ”: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ qui nhân yên... Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Biết khắc chế bản thân phù hợp với điều lễ mới là người nhân. Một khi lời nói và việc làm đều phù hợp với điều lễ, khắp thiên hạ sẽ trở nên nhân đức… Việc trái với lễ chớ xem, không hợp với lễ chớ nghe, không đúng với lễ chớ nói, không phù hợp lễ chớ làm).

Thực hiện “lễ” ắt phải gắn liền với “khắc kỉ”, nghĩa là phải biết ước chế những dục vọng của mình, phải nhận thức được vị trí, tư cách của mình để không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý. Cũng giống như mọi người ai cũng thích ăn miếng ngon, nhưng khi ngồi cùng mâm cơm với ông bà cha mẹ hay em út, người đó không thể ăn uống tự do tùy thích, nhận thức về “lễ” sẽ giúp họ biết ăn thế nào cho phải phép.

“Lễ” không phải đặt ra để áp dụng cho riêng một đối tượng nào, mà cho tất cả mọi người với đủ mọi mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Ngay cả người tột đỉnh uy quyền như nhà vua cũng phải chịu sự ước chế của lễ. Nhà vua phải biết khuất mình cúi đầu trước trời đất, phải biết phục tùng mệnh lệnh của trời đất và muôn dân vì “ý dân là ý trời”. Chính lễ góp phần tạo nên kỉ cương trật tự và sự ổn định cho xã hội thời phong kiến.

Không có việc học xong “lễ” rồi mới học “văn

Có thể thấy, Nho giáo cực kì đề cao việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức, yêu cầu trường học phải đặt giáo dục đạo đức lên vị trí hàng đầu, mà trong đó, “lễ” là quy phạm đạo đức cơ bản. Có học “lễ”, học trò mới biết hiếu kính ông bà cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi, biết quý trọng thầy cô và xem trọng tình thầy trò. Đó là nền tảng đạo đức làm người mà theo quan niệm của người xưa, học trò cần phải có được trước khi bước vào học tập tri thức văn hóa. Còn “văn” ở đây chính là văn tự, là tri thức văn hóa trong sách vở thánh hiền, giúp cho người học mở rộng những hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội mà cha ông đi trước đúc kết được.

Không thể phủ nhận rằng Nho giáo đặt giáo dục đạo đức lên cao hơn một bậc so với giáo dục tri thức, nhưng từ nội hàm hai khái niệm “lễ” và “văn” mà nói, thì Nho giáo không chủ trương học cái nào trước cái nào sau. Về mối quan hệ giữa “văn” và “lễ”, Khổng Tử trong thiên Nhan Uyên của Luận ngữ có nói: “Bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ phất bạn hĩ phu” (Trước học sâu rộng về văn hóa sách vở, sau dùng lễ ước thúc hành vi của mình, nhờ vậy không trái với chánh đạo).

Thiên Thái Bá của Luận ngữ cũng có dẫn lời dạy của Khổng Tử: “Hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc” (Người ta tu dưỡng đạo đức bắt đầu từ học Kinh thi, nên người ở chỗ học lễ, hoàn thành ở chỗ học nhạc). Để làm rõ hơn ý đó, Khổng Tử cũng nói thêm trong thiên Quý Thị: “Bất học thi, vô dĩ ngôn; bất học lễ, vô dĩ lập” (Không học Kinh thi thì không biết dùng từ thế nào, không học lễ thì không nên người được). Những ví dụ trên cho thấy rằng, Khổng Tử không hề chủ trương phải học “lễ” trước khi học “văn”.

Thực ra, về mặt nội hàm ý nghĩa, giữa “lễ” và “văn” không có sự tách biệt học trước hay học sau một cách rạch ròi. Trong “lễ” có “văn” và trong “văn” có “lễ”, nghĩa là trong khi học “lễ” ta học được “văn” và trong lúc học “văn” thì ta cũng học luôn được “lễ”. Hơn nữa, “lễ” là cái phải được học tập và rèn luyện trong một thời gian dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời, không có việc học xong “lễ” rồi mới chuyển sang học “văn” mà hai cái này trong quá trình học tập song hành sẽ tác động và bổ sung cho nhau.

Nếu được chọn khẩu hiệu...

Cùng với diễn biến và thay đổi của cuộc sống, nội hàm ý nghĩa của chữ “lễ” được mở rộng ra và mang cả những ý nghĩa tiêu cực. Trong bối cảnh con người sống ngày càng thực dụng hơn thì không ít người lợi dụng “lễ” để mưu cầu những lợi ích vật chất cho cá nhân mình, ý nghĩa thiêng liêng vốn có của nó vì vậy ít được chú ý. Trong trường học cũng vậy, không ai là không hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu này, thế nhưng việc thực hành nó đến đâu lại là một chuyện khác.

“Tiên học lễ, hậu học văn” vì vậy bị người ta cố tình hiểu méo mó đi hoặc chỉ để treo cho có, chứ ít ai muốn thật lòng làm theo. Những biểu hiện tiêu cực đó không thể đổ hết trách nhiệm cho nền giáo dục Nho giáo, càng không thể quy kết trách nhiệm cho học thuyết về “lễ” mà Khổng Tử khởi xướng. Cái xấu nảy sinh trong xã hội ngày nay, thì tất yếu, trách nhiệm trước tiên và lớn nhất phải thuộc về con người trong xã hội ngày nay.

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” gắn liền với một thời kì giáo dục lấy tư tưởng Nho giáo làm nền tảng cơ bản và thời kì đó đã đi qua. Khẩu hiệu này rõ ràng không sai, vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ ở một nước phương Đông chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo như Việt Nam. Thế nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, khẩu hiệu này có vẻ sáo mòn và không phù hợp lắm với hoàn cảnh giáo dục mang tính toàn cầu hóa.

Nếu được quyền chọn một khẩu hiệu nào đó thể hiện triết lý giáo dục hiện đại, cổ vũ tinh thần dạy học của thầy trò ở trường tiểu học và trung học, tôi xin được chọn câu nói khẳng định mục đích học tập của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

  • Thanh Phong (Khoa Sư Phạm, Trường ĐH An Giang)