1a.jpg
Người sử dụng dịch vụ di động chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua di động. Ảnh: Thanh Hải

Ngân hàng, nhà mạng ồ ạt tung dịch vụ

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2003 khái niệm thanh toán qua ĐTDĐ đã được ngân hàng Á Châu ACB “nổ phát súng” đầu tiên khi cho phép khách hàng dùng Mobile để truy vấn số dư tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn truyền hình cáp, Internet... Và sau đó, có hàng loạt ngân hàng khác như Vietcombank, Techcombank, BIDV, Vietinbank… cũng lần lượt cung cấp tiện ích cho người dùng.

Đáng chú ý, không đứng ngoài cuộc, các “đại gia” viễn thông trong nước như VinaPhone, Viettel, MobiFone với lợi thế hạ tầng phủ rộng trong cả nước cũng đã nhanh chóng bắt tay với ngân hàng để phát triển ứng dụng.

Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến lực lượng hùng hậu là các công ty thanh toán trực tuyến như VinaPay, VnPay, PayNet… đã cho ra mắt rất nhiều dịch vụ thanh toán qua Mobile, tạo điều kiện để người dùng dễ dàng mua mã thẻ điện thoại, game, học trực tuyến…

Tại Hội thảo Banking Việt Nam lần thứ 14 diễn ra ngày 25-26/5 ở Hà Nội,  ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) nhận định: Từ cuối năm 2008, một khái niệm tiện ích nữa là “ví điện tử” (phương tiện cũng cho phép người dùng có thể giao dịch, thanh toán trực tuyến các hàng hóa, dịch vụ tại các website thương mại điện tử cũng như nhiều dịch vụ tiện ích khác) đã xuất hiện tại Việt Nam.

Và đến nay, những cái tên như VnMart, MoMo, Payoo, MobiVí… với sự tham gia của các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, Viettel đang tạo điều kiện cho dịch vụ Mobile Payment phát triển sôi động.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, với tỷ lệ tiếp cận ĐTDĐ của người Việt Nam đang đạt mức cao, thì có thể thấy tiềm năng để Mobile Payment phát triển là rất lớn. Thế nhưng, dù Mobile Payment được tung ra đến nay khoảng 8 năm, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị Banking Viet Nam 2011, thì tiện ích này hiện vẫn chưa có nhiều “đất sống”.

Bị giao dịch tiền mặt “bóp nghẹt”

Ông Jan Jirovec, Giám đốc Phát triển kinh doanh của BSC Praha (một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp ngân hàng đa kênh của Cộng hòa Séc, đã từng tiến hành nghiên cứu về các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam) nhận định: Thanh toán qua ĐTDĐ ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực.

“Việc thanh toán bằng tiền mặt trong người dân vẫn chiếm đa số, người dùng ĐTDĐ lại ngại tìm hiểu tính năng cũng như mạnh dạn sử dụng tiện ích Mobile Payment do các doanh nghiệp cung cấp. Chính vì thế, thời điểm hiện nay Việt Nam mới đang “chập chững” tương tự như câu chuyện của nhiều nước châu Âu hơn chục năm trước đây”, ông Jan Jirovec nói.

Đồng quan điểm này, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng nhận định thói quen sử dụng tiền mặt theo kiểu “ăn chắc mặc bền” cũng là nhân tố “bóp nghẹt” sự phát triển của thanh toán qua ĐTDĐ.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, ngay với việc dùng thẻ ATM - một tiện ích đã được biết đến tại Việt Nam hơn chục năm nay thì theo thống kê sơ bộ vẫn có tới 83% số người dùng chỉ dùng vào việc duy nhất là rút tiền mặt. Con số đó nói lên rằng Mobile Payment - dịch vụ sinh sau đẻ muộn hiện vẫn còn là một tiện ích xa vời của đa số người dân, chưa phải là tiện ích cho toàn xã hội mà vẫn chủ yếu tập trung ở số ít giới trẻ chứ chưa nói đến đối tượng trung tuổi.

Bà Hương cũng cho rằng, để dẫn tới tình trạng này có “lỗi” của phía ngân hàng. “Nhiều người dân muốn dùng Mobile Payment thế nhưng họ lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Thực tế này còn cho thấy các ngân hàng, đơn vị cung cấp tiện ích Mobile Payment còn coi nhẹ công tác truyền thông, thiếu những hướng dẫn chi tiết nhất, cơ bản nhất cho người dùng. Tôi đã từng kiến nghị ngành ngân hàng có thể bắt tay với các phương tiện truyền thông đại chúng như đài truyền hình để xây dựng chương trình hướng dẫn về dịch vụ mới của ngân hàng. Để làm được việc này không phải quá khó khăn, nhưng đáng tiếc là chưa đơn vị nào chú trọng”, bà Hương nói.

Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lý do khiến Mobile Payment khó phát triển là do khách hàng tại Việt Nam phần lớn còn chưa tin cậy vào tính bảo mật của các ngân hàng khi giao dịch với số tiền lớn.

Mặc dù vậy, ý kiến của một số đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của Mobile Payment tại Việt Nam trong 2 - 3 năm tới. 

“Đến thời điểm hiện nay, dù Mobile Payment chưa thực sự đạt được bước phát triển mạnh tại Việt Nam nhưng các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh đầu tư cho mảng dịch vụ này để đón được xu hướng phát triển trong tương lai”, ông Bùi Quang Tiên nhận định.

Với chủ đề “Tối ưu hóa hạ tầng công nghệ - Đa dạng dịch vụ ngân hàng“, Hội thảo - Triển lãm Banking Việt Nam lần thứ 14 vừa diễn ra trong 2 ngày 25 - 26/5/2011, tại Hà Nội. Hội thảo năm nay được đánh giá cao về chất lượng, với 38 báo cáo tập trung vào 4 vấn đề gồm: công nghệ hỗ trợ quản trị ngân hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng; tối ưu hóa hạ tầng công nghệ cho hoạt động ngân hàng; đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; an ninh, an toàn hệ thống CNTT.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 63 ra ngày 27/5/2011