- Những người đi học tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (gọi tắt là tiến sĩ 322) khi trở về đã choáng váng với mức lương cũng như cơ chế làm việc ở trường đại học. Nhiều người đã chuyển ra công ty nước ngoài làm việc, mở công ty riêng, hoặc ở lại nước ngoài mà không có ai truy cứu trách nhiệm.

TIN LIÊN QUAN

Xong tiến sĩ, lương vẫn thế!

Nguyễn Hùng, một giảng viên trường ĐH có lịch sử hơn 50 tuổi đời ở Hà Nội cho biết, sau khi làm xong tiến sĩ theo Đề án 322 ở trường ĐH Paris 6 ở Pháp về, anh có cảm giác "khủng hoảng".

Đang từ cuộc sống đầy đủ (học bổng cộng với tiền hỗ trợ từ phòng Lab bên ĐH Paris 6), lúc về nước anh nhận mức lương 2,5 triệu/tháng trong 6 tháng đầu do chưa tham gia nhiều hoạt động khác của khoa. Hiện giờ, mức lương của anh là 3,6 triệu đồng/tháng, không thay đổi so với trước lúc đi học.

Thật may, anh mới được duyệt đề tài nghiên cứu khoa học bằng ngân sách nhà nước do trường tạo điều kiện, đó là lý do anh không có ý định bỏ trường ra đi như nhiều bạn bè mình.

Trong số 5 người bạn cùng đi học tiến sĩ theo Đề án 322 cùng anh, có 3 người đã bỏ môi trường đại học vì không chịu đựng được khoản thu nhập ít ỏi cũng như môi trường làm việc.

Một tiến sĩ Toán bật mí: Sở dĩ nhiều tiến sĩ 322 trở về, vẫn bám trụ ở trường đại học vì họ có cơ hội đi làm thêm, đó là dạy cho các chương trình liên kết quốc tế hay trường quốc tế với mức thù lao từ 400 ngàn đến 600 ngàn/giờ.

Mức thu nhập ngoài của họ có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương ở trường, tiền hướng dẫn luận văn...thì cuộc sống cũng khá ổn. Đồng thời, khoa hay trường ĐH vẫn tạo điều kiện cho họ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học.

Thất vọng vì môi trường làm việc

Tiến sĩ H., đi học bằng học bổng tiến sĩ 322 ngành hoá thực phẩm từ một cơ quan nhà nước, nhưng khi trở về thì cơ quan này giải thể nên được tự do chọn nơi làm việc. Với tâm trạng háo hức, chị quyết định chọn một trường đại học có tiếng ở Hà Nội để mong muốn được cống hiến. Thế nhưng, H. đã thất vọng với cơ chế làm việc và quyết định phải ra đi, làm việc cho một công ty nước ngoài.

Tiến sĩ H. chia sẻ: "Lý do ra đi không hẳn vì mức thu nhập. Tại trường ĐH, mức lương hàng tháng cộng với tiền dạy vượt giờ, tiền hướng dẫn sinh viên, tôi cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đó là một mức thu nhập tốt so với mặt bằng các trường hiện nay. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, nếu tôi ở trường như thế này mà không được nghiên cứu, tôi sẽ trở thành "thợ dạy" theo đúng nghĩa. Vì cuộc sống như thế là không hạnh phúc, tôi đã nghỉ dạy."

Chị tâm sự, mặc dù rất muốn đưa ra nhiều cái mới, có ích cho sinh viên nhưng không được chấp nhận. Chẳng hạn muốn cải tiến thư viện cho sinh viên để có nhiều sách tham khảo từ nước ngoài về, hoặc tổ chức cho sinh viên đi thực tế thì bị can ngăn: tự nhiên nghĩ thêm việc để làm gì cho mệt.

Với đề tài nghiên cứu khoa học thì đòi hỏi phải có bài báo đăng ở nước ngoài, trong khi phòng thí nghiệm không chuẩn quốc tế, thù lao cho các thành viên tham gia đề tài quá ít, chẳng hạn như chủ nhiệm đề tài được nhận khoảng 100 ngàn/tháng.

Từ bỏ trường ĐH vì quá thất vọng, tiến sĩ H. cho biết, hoàn toàn không phải vì mức lương, mà môi trường làm việc là cái quan trọng nhất khiến chị ra đi. Hiện nay, làm việc cho công ty nước ngoài, chị học được rất nhiều cái mới, tất cả những sáng kiến được tôn trọng và cổ vũ, mức lương rất tốt nhưng không giàu như nhiều người nghĩ vì phải trừ thuế thu nhập từ 20-30%.

Tiến sĩ 322 bỏ trường đại học, có lãng phí tiền của dân?

Hiện tượng nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ theo Đề án 322 về nước và không làm cho công ty nhà nước theo như đã cam kết là có thật. Cho tới thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thống kê được con số này.

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài cho biết: Từ năm 2000 đến hết 2010, Đề án 322 (sử dụng ngân sách Nhà nước) đã gửi được 4.590 người đi học, trong đó có 2.268 tiến sĩ. Đến nay đã có 3.017 người đã về nước, trong đó có 1.074 tiến sĩ.

Những nhân vật trong bài viết này cho biết, có một số tiến sĩ đi học bằng đề án 322 đã không trở về, hoặc có về thì không làm việc cho trường đại học hay cơ quan Nhà nước như cam kết lúc ban đầu mà không bị bồi thường tiền, vì điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của cơ quan cử họ đi học. Nếu thân thiết với lãnh đạo, họ "ỉm" đi là coi như xong.

Trong khi đó, trong thông báo về tuyển sinh sau đại học bằng ngân sách Nhà nước của Bộ GD-ĐT đã nêu rõ: Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại các cơ quan cử đi học như đã cam kết, nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về nước phục vụ sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo đúng quy định của Nhà nước.

Bộ GD-ĐT là nơi ký quyết định cuối cùng cho phép đi học, nhưng việc quản lý tiến sĩ 322 lúc trở về lại do cơ sở cử đi thực hiện, vì thế đã tạo ra kẽ hở lớn về quản lý các tiến sĩ "trở về". Lẽ ra, Bộ phải là nơi đứng ra "xử phạt" nếu tiến sĩ nào không thực hiện đúng cam kết của mình.

Một vị hiệu trưởng bức xúc: Chúng tôi có một tiến sĩ 322 trở về nhưng không đóng góp được gì cho trường, vẫn có hợp đồng dài hạn với trường nhưng cả năm chỉ dạy rất ít, còn lại là làm cho công ty riêng ở bên ngoài. Nhiều người đi học nước ngoài bằng viện trợ ODA cũng vậy, cứ có tấm bằng là chạy khỏi trường đại học, trong khi đó, tiền viện trợ cũng là tiền của dân chứ.

Trên diễn đàn Vietphd.org, một tiến sĩ 322 tốt nghiệp đã tâm sự và muốn nhận lời khuyên của mọi người: "Em vừa hoàn tất chương trình học tiến sĩ theo học bổng 322 và vừa về nước, em nhận được một lời mời rất tốt từ một công ty nước ngoài nhưng dự án thực hiện là cho Việt Nam.

Tuy nhiên, em vẫn bị ràng buộc bởi cam kết với 322. Nếu quay trở lại nơi cũ thì em chắc rằng vài năm sau em sẽ trở thành một người than thân trách phận và bất mãn. Em nên làm gì đây ạ, nói về lý một cách đơn thuần thì đã đi theo 322 thì phải trở về nơi cũ, nhưng nếu thoát ly làm việc cho công ty mới thì có lẽ em sẽ giúp được nơi cũ nhiều hơn rất nhiều sau 5-7 năm nữa".

Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng, chính vì có một độ vênh rất lớn giữa đề án cử đi học với việc sử dụng tiến sĩ sau khi trở về đã tạo ra mâu thuẫn trên. Chúng ta có một chính sách tốt là đào tạo tiến sĩ cho các cơ quan nhà nước, các trường đại học nhưng khi họ trở về đã không sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ấy.

Phải chăng, Bộ GD-ĐT cần tổng kết để xem hiệu quả của đề án đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách Nhà nước có lợi cho cái chung nhiều hơn, hay mục đích chỉ để tạo ra những tiến sĩ. Nếu chúng ta không có một cơ chế tốt để sử dụng hiệu quả những tiến sĩ trở về thì họ sẽ tìm cách ra đi, như vậy có lãng phí tiền của dân?

  • Tú Uyên

(tên một số nhân vật đã được thay đổi)